Hơn 3 triệu khách hàng bị tăng tiền điện tháng 5, ngành điện nói gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 1,5 triệu hộ dân có hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi đến 4 lần so với tháng trước, tập trung phần nhiều vào khu vực miền Bắc.

Số liệu của ngành điện cho biết, hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ cao hơn 30% so với tháng 4. Cụ thể như sau:

  • Hơn 1,4 triệu khách hàng có hóa đơn tăng 30%-50%
  • Hơn 1,5 triệu khách hàng có hóa đơn tăng 100%-300%
  • Hơn 215.000 khách hàng tiêu thụ trên 300%

Đáng chú ý, điện lực miền Bắc có số khách hàng bị tăng hóa đơn (hơn 1,4 triệu) nhiều hơn hẳn so với điện lực miền Nam (hơn 750.000) và miền Trung (hơn 310.000).

Khu vực Hà Nội cũng có nhiều hộ dân bị tăng hóa đơn tiền điện (hơn 300.000 hộ) hơn so với TP. HCM (hơn 250.000 hộ)

Đơn vị Khách hàng tăng từ 30-50% Khách hàng tăng 50-300% Khách hàng tăng trên 300% Tổng khách hàng
Điện lực miền Bắc 677.303 706.652 95.793 1.479.748
Điện lực miền Nam 343.426 380.097 51.095 753.368
Điện lực miền Trung 150.536 145.895 18.133 314.564
Điện lực Hà Nội 126.528 151.254 24.663 302.445
Điện lực TP HCM 105.568 123.843 25.745 255.156
Tổng 1.403.361 1.507.741 215.429 3.105.281

Ngành điện nói gì?

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhất là Bắc và Trung Bộ vừa qua hứng chịu đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã khiến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao.

Trong khi nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì thiết bị điều hoà sẽ tốn nhiều điện năng hơn để làm mát.

"Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2-3%. Do đó, dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều", EVN giải thích.

Về độ chính xác của công tơ điện và ghi chỉ số điện, EVN cho biết các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. EVN cũng cho biết các công tơ, điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Trong khi đó, hôm 21/5, một hộ dân tại TP. HCM phản ánh cơ quan điện lực ghi sai gần 400KWh khiến số tiền phải trả tăng thêm gần 1 triệu đồng.

EVN khẳng định, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ và ngành điện sẵn sàng tiếp nhận mọi thắc mắc từ khách hàng sử dụng điện.

Cần bên thứ 3 phân xử?

Trước nhiều ý kiến của người dân về hóa đơn tiền điện tăng vọt, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng đơn vị bán điện cần làm rõ vấn đề này, thậm chí để khách quan thì cần bên thứ 3 vào cuộc.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan.

“Đến hẹn lại lên, năm nào thời điểm này cũng vậy. Một bên mua, một bên bán, ai cũng nghĩ mình đúng, người đứng ngoài cuộc không thể “bênh” ai mà cần cơ quan phân xử cho công tâm, minh bạch”, ông Ánh nói với báo Dân trí.

Ông Ánh cho rằng, có thể mời Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng để phân xử những nghi ngờ về hóa đơn tiền điện.

Thậm chí nếu khách hàng bức xúc cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm có thể kiện bên bán điện ra toà, theo ông Ánh.

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Hơn 3 triệu khách hàng bị tăng tiền điện tháng 5, ngành điện nói gì?