JVE đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành 'Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều 16/9, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE cho biết, đã gửi công văn báo cáo tới chính quyền TP. Hà Nội về việc đề xuất "Giải pháp tổng thể" cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản.

Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, để có thể làm sông Tô Lịch “sống lại” đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như:

  1. Vấn đề thu gom nước thải;
  2. Vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải;
  3. Vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối;
  4. Vấn đề xử lý tầng bùn đáy;
  5. Vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông;
  6. Vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão;
  7. Vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh;
  8. Vấn đề phát triển du lịch...

Theo Chủ tịch HĐQT JVE, phạm vi Dự án đề xuất lần này không chỉ đơn thuần là xử lý môi trường, mà còn có nội dung quan trọng là xây dựng hệ thống cảnh quan “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” và đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.

Thời gian tới, JVE sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về dự án.

Trước đó, tháng 6/2020, trước thông tin Công ty này từ bỏ việc xử lý nước ô nhiễm trên sông Tô Lịch, JVE đã phủ nhận và cho biết, đang chuẩn bị báo cáo đề án cải tạo tổng thể gửi chính quyền TP. Hà Nội về Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu thăm quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

JVE lý giải, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam để triển khai các nội dung như đã đề cập.

Ngày 16/5/2019, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được khởi động. Kết quả bước đầu sau khi triển khai dự án được các chuyên gia đánh giá khả quan.

Ngày 9/7/2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25 cm khiến toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi trong vòng gần 2 tháng qua trong chốc lát bị cuốn trôi.

Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) và đoàn chuyên gia Nhật Bản phải thực hiện thí điểm xử lý thêm 2 tháng để kết quả thí điểm được đảm bảo khách quan.

Ngày 16/9/2019, lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng, JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Đây cũng là ngày hơn 300 con cá Koi, cá chép Việt Nam, cá rô phi và cá mè được thả trực tiếp xuống sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.


JVE đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành 'Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh'