Không có ca mắc mới trong 48 giờ qua, Hà Nội xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26/9 đến 6h ngày 27/9, Hà Nội tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, tính từ 6h ngày 25/9 đến 6h ngày 27/9, thành phố đã có 48 tiếng không có ca nhiễm mới mới.

Như vậy đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27/4 đến nay) là 3.965 ca.

Về tình hình điều trị, tổng số bệnh nhân điều trị khỏi là 3.123 và 34 ca tử vong. Hiện các cơ sở y tế của Hà Nội đang điều trị hơn 420 bệnh nhân COVID-19; trong đó, Bệnh viện Đức Giang đang điều trị 112 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn (68), Bệnh viện Gia Lâm (62), Bệnh viện Bắc Thăng Long (27), Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (21), Cơ sở cách ly, điều trị Đền Lừ III (100), Cơ sở điều trị KTX Phenikaa (30).

Tính đến 18h ngày 26/9, trên địa bàn thành phố còn 20/656 điểm phong tỏa đang duy trì; có 3.037 người đang cách ly, trong đó có 2.015 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 137 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, 808 người cách ly tại khách sạn, 77 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.

Về công tác tiêm chủng, tính đến 18h ngày 26/9, thành phố đã tiêm thêm hơn 80.000 mũi. Như vậy, toàn thành phố đã tiêm được hơn 6,8 triệu mũi vaccine, trong đó có gần 5,8 triệu mũi 1 (đạt 96,15% dân số trên 18 tuổi và 69,74% tổng dân số), hơn 1 triệu mũi 2 (đạt 17,06% dân số trên 18 tuổi và 12,4% tổng dân số).

Hà Nội xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng

Hiện tại, TP. Hà Nội áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn. Theo Chỉ thị 22 của UBND TP. Hà Nội vừa công bố, TP. Hà Nội cho phép khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho hoạt động shipper công nghệ; song chưa khôi phục các hoạt động vận tải công cộng.

Theo Chỉ thị 22, TP. Hà Nội yêu cầu các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất đáp ứng an toàn, gửi UBND phường, xã để quản lý, giám sát. Đồng thời, Sở Công thương, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, các hoạt động xây dựng tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, các công trình xây dựng.

Theo báo cáo các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của UBND TP. Hà Nội, thành phố đã đề ra 2 kịch bản tăng trưởng:

  • Kịch bản cơ sở GRDP quý 3 giảm 0,81%, quý 4 tăng 6,98% và dự báo cả năm đạt 4,54%.
  • Kịch bản thấp là GRDP quý 3 giảm 0,98%, quý 4 tăng 5,15% và cả năm dự kiến đạt 3,97%.

Trên cơ sở này, TP. Hà Nội cũng xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025:

  • Kịch bản 1 là GRDP tăng 7,5% (trong đó 2022 - 2025 GRDP phải tăng bình quân từ 8,25 - 8,4%).
  • Kịch bản 2 là GRDP tăng từ 6,5 - 7,0% (kịch bản là đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, quý 3 - 4/2021 mới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đến giữa hoặc cuối năm 2022 mới thực hiện tiêm vắc xin đạt mức miễn dịch cộng đồng; dịch bệnh được kiểm soát từ năm 2023...).


Không có ca mắc mới trong 48 giờ qua, Hà Nội xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng