Không xả trạm BOT khi CSGT yêu cầu: Có thể bị phạt tới 70 triệu đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi xảy ra tắc đường, nếu có yêu cầu xả trạm của Cảnh sát Giao thông mà trạm thu phí không chấp hành thì có thể bị phạt tới 70 triệu đồng.

Ngày 4/2, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT- Bộ Công an) cho biết, nguyên nhân xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí BOT các tuyến cửa ngõ ra vào Hà Nội và TP. HCM những ngày qua là do lượng phương tiện gia tăng cao. Đồng thời, các trạm thu phí chưa chủ động sắp xếp nhân sự, có phương án để chống ùn tắc gây nên tình trạng ùn ứ kéo dài. Lực lượng chức năng đã phải áp dụng rất nhiều phương án phân luồng để chống ùn tắc tại các trạm thu phí.

Cục CSGT khuyến cáo, sau kỳ nghỉ Tết, người dân trở lại thành phố cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về Giao thông đường bộ, tuân thủ sự hướng dẫn, điều tiết, phân luồng của lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng khác; cần chủ động cập nhật tình hình giao thông và lựa chọn khung giờ, lộ trình di chuyển phù hợp; tránh đi vào khung giờ cao điểm, các tuyến đường có lưu lượng cao.

Đối với xe container, xe siêu trường, siêu trọng có khối lượng chuyên chở từ 3,5 tấn trở lên, khi di chuyển ra, vào Hà Nội và TP. HCM các ngày từ 5 - 7/2, tài xế nên sắp xếp lịch trình phù hợp; và di chuyển vào khung giờ từ 20h00 ngày hôm trước đến 06h00 sáng ngày hôm sau.

Cục CSGT cũng khuyến cáo và yêu cầu các tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ cần chủ động các phương án trong quản lý, điều hành; sẵn sàng xả trạm khi có yêu cầu của lực lượng CSGT.

Cục CSGT cho hay, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý các trường hợp để xảy ra vi phạm. Nếu để xảy ra ùn tắc, tùy theo mức độ, tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ sẽ bị xử lý mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng (theo Khoản 8 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đặc biệt, khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà trạm thu phí không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng (theo Khoản 9 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Cụ thể:

Khoản 7 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150 xe đến 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1.000m đến 2.000m;

b) Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20 phút đến 30 phút.

Khoản 8 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000m;

b) Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Khoản 9 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng - 70.000.000 đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí;

b) Không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Việt Hưng

Việt Nam Xã hội

Không xả trạm BOT khi CSGT yêu cầu: Có thể bị phạt tới 70 triệu đồng