Ông Lưu Bình Nhưỡng: 'Không được biến Quốc hội thành phòng kín để chia chác quyền lực'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, năng lực của một số đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu của một chính khách.

Sáng 26/3, một số đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ những tâm tư của họ tại phiên thảo luận về nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá việc lập pháp của Quốc hội còn tồn tại những vấn đề, như: chậm trễ chuẩn bị hồ sơ luật, đề xuất chính sách không phù hợp, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận. Ông Nhưỡng lấy ví dụ về việc đề xuất đưa phạm nhân ra làm việc ở doanh nghiệp; đề xuất bổ sung lực lượng an ninh lên hàng triệu người, theo báo Thanh niên.

Ông Nhưỡng đánh giá việc thẩm định luật còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, có dấu hiệu của vận động hành lang (lobby) không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật. Ông Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng, năng lực của một số đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu của một chính khách, thậm chí còn tình trạng bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thể hiện được trách nhiệm trước nhân dân.

“Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, đặc biệt không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Khóa sau ông Lưu Bình Nhưỡng, 58 tuổi, có thể không được tái ứng cử Đại biểu Quốc hội do quá tuổi quy định.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đánh giá Quốc hội khoá 14 đã làm "tròn vai" nhưng ông lo ngại về tính liêm chính trong xây dựng pháp luật. Ông Bộ cho rằng, không có liêm chính sẽ tạo ra những văn bản “khuyết tật”, biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo “hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác”...

Bấm nút biểu quyết tuy nhanh nhưng không thể hiện chính kiến

Trong lần phát biểu cuối cùng của mình trước Quốc hội sau 20 năm tham gia, ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh về tính minh bạch, công khai. Ông Quốc cũng lưu ý “những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở sau lưng mình”.

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Báo Vietnamnet dẫn lời ông Dương Trung Quốc nhìn nhận về hoạt động của Quốc hội:

"Những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ luôn phải hướng về phía trước, theo kịp thời đại. Nhưng tôi muốn nói những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở sau lưng mình. Nếu chúng ta ý thức được rằng chúng ta kế thừa một truyền thống của dân tộc, tổ tiên, truyền thống của Quốc hội, của các bậc tiền nhân, người tiền nhiệm".

Đại biểu Dương Trung Quốc mong rằng một ngày không xa người dân có thể vào Hội trường Quốc hội không những để tham quan mà còn được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.

Ông Quốc còn cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao đôi khi lại có tác dụng không tốt. Ông lấy ví dụ việc bấm nút biểu quyết, tuy nhanh chóng, nhưng không ai biết được chính kiến của đại biểu thế nào, người dân không biết đại biểu mà họ bầu có chính kiến ra sao.

Nguy cơ tham nhũng chính sách

Nữ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng chia sẻ những băn khoăn của bản thân trong hoạt động Quốc hội.

Báo Tuổi trẻ đưa tin:

Bà Mai cho rằng Quốc hội đã thông qua những đạo luật chất lượng, song có thể nhận thấy những quy định nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách, hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì tạo hành lang pháp lý bảo vệ tham nhũng.

Bà Mai chỉ ra những khía cạnh có thể tồn tại nguy cơ tham nhũng chính sách như các quỹ tài chính ngoài ngân sách, quản lý đất đai, ưu đãi tài chính, phân cấp, phân quyền các dự án... Nữ đại biểu Hà Nội cho rằng cần quan tâm đề cao ý kiến của người dân, doanh nghiệp chịu tác động của chính sách, nâng cao hoạt động thẩm tra.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đưa ra đề xuất thực hiện 2 lần lấy phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội trong một nhiệm kỳ.

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Ông Lưu Bình Nhưỡng: 'Không được biến Quốc hội thành phòng kín để chia chác quyền lực'