Bị mất 15 tỷ sau cuộc gọi với người tự xưng thiếu tướng Bộ Công an

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người ở TP.HCM liên tiếp nhận cuộc gọi có hình ảnh với những người tự xưng cán bộ công an, thiếu tướng Bộ Công an. Khi làm theo hướng dẫn của những người này, ông đã mất gần 15 tỷ đồng.

Công an TP.HCM đang điều tra vụ việc ông L. (61 tuổi, ngụ TP.HCM) trình báo bị mất gần 15 tỷ đồng sau khi nghe cuộc gọi có hình ảnh của người xưng là thiếu tướng Bộ Công an, theo Vietnamnet.

Theo trình báo của ông L., ngày 17/4 ông nhận cuộc gọi của một người lạ tự xưng là "cán bộ Bộ Công an". Người này thông báo ông L. có dính dáng đến đường dây tội phạm và công an đã có lệnh bắt tạm giam ông.

Ông L. thanh minh thì “cán bộ Công an” gọi video call để nói chuyện. Ông L. nhìn thấy người này mặc sắc phục Công an cùng lệnh bắt giam mình nên hoảng sợ. Đối tượng thông báo sẽ nối máy cho ông L. gặp “lãnh đạo Bộ Công an”.

Ít phút sau, ông L. nhận được điện thoại với đầu số 034… xưng là Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an. "Cục trưởng" cũng gọi video call và nói ông L. dính vào vụ án cần xác minh tài khoản đang sở hữu ở ngân hàng Vietcombank, yêu cầu ông phải kê khai, chuyển 6 tỷ đồng để điều tra. Nếu ông L. không liên quan, "Cục trưởng" nói sẽ trả lại, theo báo Công Lý.

Người lạ nói ông L. có dính đến một vụ án kinh tế, cần xác minh tài sản, phải chuyển tiền vào tài khoản để điều tra, nếu là "tiền sạch" thì phía Bộ Công an sẽ hoàn trả lại.

Theo hướng dẫn của đối tượng, ông L. ra ngân hàng chuyển 6 tỷ đồng vào tài khoản do người tự xưng thiếu tướng chỉ định.

Sau đó, đối tượng lại gọi ông L. hướng dẫn mua 1 sim số điện thoại khác đăng ký nhận mã OTP của ngân hàng, cài app “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” để khai báo các thông tin họ tên, giấy tờ cá nhân, tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…

Ngày 18/4, ông L. nhận được điện thoại của “cục trưởng” yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền để kiểm tra. Ông L. tiếp tục chuyển thêm 8,4 tỷ đồng vào tài khoản của “cán bộ Công an”. Đợi mãi không thấy “cục trưởng” gọi lại và trả tiền nên ông L. nghi ngờ bị lừa; ông L. tới ngân hàng kiểm tra thì phát hiện tổng số tiền trong tài khoản gần 15 tỷ đồng của ông đã bị chuyển tới 4 tài khoản ngân hàng khác nhau.

Lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan Công an.

3 cách nhận biết cuộc gọi lừa đảo

Tỉnh táo với cuộc gọi tự xưng là cơ quan chức năng

Thời gian gần đây, các cuộc gọi lừa đảo được thực hiện vô cùng tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan công an, Tòa án… để dọa nạt, đánh vào tâm lý hay lo sợ của người dân.

Một số hành vi sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước như: Gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…

Theo quy định của pháp luật, để giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời, cũng không có quy định nào cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.

Cảnh giác với các cuộc gọi có đầu số lạ

Theo cảnh báo của nhà mạng VNPT, khách hàng sử dụng điện thoại nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84.

Các cuộc gọi này được nháy máy từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước nhằm mục đích lừa đảo gọi người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông.

Thời điểm phát sinh các cuộc gọi thường là buổi tối hoặc buổi đêm. Nếu người nghe gọi lại thì sẽ bị trừ phí rất cao.

Do đó, nên cân nhắc khi gọi lại các cuộc điện thoại có đầu số quốc tế nếu không phải từ người quen biết.

Cẩn thận với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng

Trên thực tế, đã rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Cách lừa đảo thường là: Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng hay bất kỳ lý do nào khác yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản…

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn có thể giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.

Vì vậy, nên cẩn thận với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ những cuộc điện thoại không rõ người gọi.

Dương Minh

Việt Nam Xã hội

Bị mất 15 tỷ sau cuộc gọi với người tự xưng thiếu tướng Bộ Công an