Việt Nam: Ai sẽ là tân Chủ tịch nước?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cập nhật: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Sáng 2/3, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Miễn nhiệm Chủ tịch nước là hoạt động tiếp theo được Quốc hội Việt Nam họp và xem xét sau khi Ban Chấp hành Trung ương đảng đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, thôi giữ các chức vụ. Điều dư luận đang quan tâm lúc này là ai sẽ thay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 18/1, Thường vụ Quốc hội Việt Nam triệu tập cuộc họp bất thường tại Nhà Quốc hội (Hà Nội) để xem xét về nhân sự sau khi Ban Chấp hành Trung ương đảng đã đồng ý cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ trong chiều 17/1.

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào tháng 4/2021.

Theo thông cáo cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng vào chiều 18/1, trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc lãnh đạo, điều hành việc phòng, chống đại dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều quan chức có vi phạm, khuyết điểm.

Theo nguyện vọng cá nhân, ông Nguyễn Xuân Phúc xin từ chức, thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương đảng khóa XIII; Chủ tịch nước; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Câu hỏi được dư luận quan tâm lúc này là ai sẽ thay ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước.

Ai sẽ thay Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước?

Theo quy định tại Điều 93 Hiến pháp 2013, trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra người mới.

Hiện, Phó chủ tịch nước Việt Nam đương nhiệm là bà Võ Thị Ánh Xuân (sinh năm 1970, quê quán: An Giang). Nếu theo quy định trên thì bà Võ Thị Ánh Xuân có khả năng sẽ giữ quyền Chủ tịch nước sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng kiêm nhiệm cương vị Chủ tịch nước vào năm 2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ông Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm hai vị trí cho đến Đại hội đảng lần thứ XIII vào đầu năm 2021 khi ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.

Hiện, trong Bộ Chính trị Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư - đều đã làm trọn nhiệm kỳ khóa XII. Dư luận đang chờ đợi phiên họp bất thường của Quốc hội vào chiều 18/1 để theo dõi việc xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và ai sẽ là tân Chủ tịch nước.

Miễn nhiệm Chủ tịch nước là gì?

Theo nội dung quy định tại Khoản 6 Điều 7 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008: Miễn nhiệm là việc công chức, cán bộ thôi giữ chức danh, chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Ai có quyền miễn nhiệm Chủ tịch nước?

Thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước thuộc về Quốc hội.

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Quốc hội có thẩm quyền miễn nhiệm Chủ tịch nước; Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; các Phó chủ tịch Quốc hội; và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Phó thủ tướng cùng Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho Nhà nước trong các hoạt động đối nội, đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra và phải là một đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nhiệm kỳ làm việc của Chủ tịch nước trùng với nhiệm kỳ của Quốc hội.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương đảng đồng ý với nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội sẽ họp xem xét về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước đối với ông Phúc.

Tại sao miễn nhiệm Chủ tịch nước?

Nội dung Khoản 2 Điều 29, Điều 30 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Khoản 1 Điều 66 của Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về những trường hợp miễn nhiệm đối với công chức, cán bộ nhà nước.

Cụ thể, việc miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp dưới đây:

  • Có hai năm liên tiếp bị đánh giá xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
  • Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ của công việc cần phải thay thế;
  • Bị xử lý kỷ luật mức khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;
  • Cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của đảng về việc bảo vệ chính trị nội bộ;
  • Và các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của pháp luật và của đảng.

Công chức lãnh đạo, quản lý có thể xin thôi làm nhiệm vụ; hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

  • Bản thân không đủ sức khỏe;
  • Không có đủ năng lực, uy tín;
  • Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của công việc;
  • Và vì lý do khác.

Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay là ai?

Hiện nay Quốc hội Việt Nam chưa bầu chủ tịch nước mới nên vị trí này vẫn còn trống. Tuy nhiên Quốc hội đã phân công bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian chờ bầu nhân sự mới.

Như vậy chủ tịch nước tạm thời của Việt Nam là bà Võ Thị Ánh Xuân (nguyên là Phó chủ tịch nước).

Thông tin liên quan về ông Nguyễn Xuân Phúc

  • Ông Nguyễn Xuân Phúc bao nhiêu tuổi: Cựu Chủ tịch nước Việt Nam sinh năm 1954. Vậy đến năm 2023, ông Phúc đã 69 tuổi.
  • Quê quán: Ông Nguyễn Xuân Phúc quê tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam.
  • Cha ông là Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1918, hiện đang sinh sống tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (theo Wikipedia).
  • Gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc: Vợ ông là bà Trần Thị Nguyệt Thu. Ông Phúc có hai con, con gái là Nguyễn Thị Xuân Trang (sinh năm 1986), hiện là là doanh nhân, cổ đông lớn của trường quốc tế Gateway. Con trai ông là Nguyễn Xuân Hiếu, hiện đang là Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Cập nhật: Ông Võ Văn Thưởng được giới thiệu làm Chủ tịch nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp bất thường, sáng 2/3.

Theo chương trình kỳ họp, trong buổi sáng 2/3, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, sau đó bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trước đó, tại hội nghị bất thường sáng 1/3, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Tiểu sử Võ Văn Thưởng

Ông Võ Văn Thưởng 53 tuổi, thạc sĩ Triết học, quê ở xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa liên tiếp 12 và 13. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết lúc 36 tuổi, sau đó là Ủy viên Trung ương ba khóa liên tiếp từ 11 đến 13, Đại biểu Quốc hội ba khóa 12, 14, 15.

Ông Võ Văn Thưởng là Thường trực Ban Bí thư trẻ nhất từ 1976 đến nay, và cũng là thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị hiện tại.

  • Ông Võ Văn Thưởng tốt nghiệp Thạc sĩ Triết học trường Đại học Tổng hợp TP HCM năm 1999. Ông có nhiều năm công tác tại Thành đoàn TP HCM, lần lượt trải qua các chức vụ, từ cán bộ Thành đoàn đến Chủ tịch Hội Sinh viên, Phó bí thư, Bí thư Thành đoàn.
  • Từ 2004, ông làm Bí thư Quận ủy 12, TP HCM. Hai năm sau, khi được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, rồi được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
  • Tháng 8/2011, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ba năm sau, ông làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM. Tháng 10/2015, ông tái cử chức vụ này, được Bộ Chính trị phân công điều hành công tác Thành ủy TP HCM.
  • Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 (tháng 1/2016), ông Thưởng được bầu vào Bộ Chính trị, sau đó, được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng và giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
  • Sau 5 năm giữ cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông được bầu vào Bộ Chính trị khóa 13 và được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 2/2021 đến nay.

Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trong sáng 2/3

Theo tin từ VOV, sáng 2/3, Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách rồi tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố ngay trong sáng 2/3 trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc bầu Chủ tịch nước. Sau đó, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội theo quy định.

Trần Duy và Dương Minh

Xem thêm:

 

 

Việt Nam Chính trị

Việt Nam: Ai sẽ là tân Chủ tịch nước?