Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nội dung được Quốc hội Việt Nam thông qua trong cuộc họp bất thường vào chiều 18/1.

Chiều 18/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam họp kỳ họp bất thường lần thứ 3 để xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo nguyện vọng cá nhân.

Theo đó, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Hôm qua, ngày 17/1, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, xin thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng khóa XIII; Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đơn xin từ chức của ông Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc "rời ghế" Chủ tịch nước sau gần hai năm đảm nhiệm chức vụ này. Ông là Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam xin nghỉ giữa nhiệm kỳ kể từ năm 1976.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin từ chức, thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Theo Ban Chấp hành Trung ương đảng, từ năm 2016 - 2021, trong thời gian đảm nhận cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc lãnh đạo, điều hành ứng phó với đại dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều quan chức Chính phủ mắc vi phạm, khuyết điểm.

Hôm 5/1, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm hai Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội khóa XV.

Ba Bộ trưởng là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế); ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch TP. Hà Nội) và ông Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) bị Trung ương đánh giá là có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trần Phong

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc