Mưa lũ nhấn chìm nhiều làng mạc, miền Trung sơ tán khẩn cấp 11.000 dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mưa lũ ở miền Trung những ngày qua đã gây ngập lụt, chia cắt 37 xã, các địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn gần 11.000 người dân. Tính đến chiều 8/10, đã có 4 người chết và 7 người mất tích.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến 17h ngày 8/10, ở khu vực Trung Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600 mm. Đặc biệt tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ 700-900 mm.

Hiện nay, lượng mưa đang có xu hướng giảm dần. Dự báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.

Một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ 700-900 mm.
Một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ 700-900 mm. (Ảnh chụp từ video)

Trước tình hình mưa lũ, ngập lụt trên diện rộng, các địa phương ở miền Trung đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ/10.994 người (Quảng Trị 2.796 hộ/10.141 người, Thừa Thiên Huế 271 hộ/780 người, Đà Nẵng 23 hộ/73 người, Quảng Nam 59 hộ). Cụ thể:

Tại Quảng Bình, 25 thôn/bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các quốc lộ 15, 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu 0,5-1m; tỉnh lộ 562, 559B bị ngập 1,5-2m gây cản trở giao thông. Tính đến tối 8/10 nước lũ vẫn dâng cao ở các huyện này.

Tại Quảng Trị, 20 xã/phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ (7 xã của huyện Hướng Hóa, 4 xã của huyện Đakrông, 3 xã của huyện Cam Lộ và 6 phường tại TP. Đông Hà). Tại TP. Đông Hà, nước đã tràn vào hàng chục ngàn nhà dân, biến nhiều tuyến đường lớn thành “sông”. Nặng nhất là ở khu vực đường Lê Lợi, Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ... Một số vị trí ở xã Ba Lòng, Pa Nang, A Vao (H.Đakrông)... bị cắt đứt với bên ngoài. Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 2.796 hộ với 10.141 người đến các khu vực an toàn.

Mưa lũ tại Quảng Bình.
Mưa lũ tại Quảng Bình. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Thừa Thiên Huế, quốc lộ 49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8-1 m; nhiều tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2-0,5m; các thôn Tam Lanh, xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài cũng khiến hàng trăm nhà dân ở H.Đại Lộc ngập sâu hơn 1 m. Riêng các huyện Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn bị sạt lở nặng, chia cắt nhiều điểm. Nhiều đường giao thông qua các huyện này bị sạt lở taluy âm, taluy dương nghiêm trọng... Nước sông Hoài lên nhanh cũng khiến phố cổ Hội An (TP.Hội An) ngập nặng. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Quảng Nam đã di dời hàng trăm hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, vùng trũng ngập lụt.

Tại Đà Nẵng, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) có 8/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông. Tại xã Hòa Bắc, nhiều khu vực mất điện trên diện rộng, cây ngã đổ… Riêng tại thôn Lộc Mỹ, nước lũ sông Cu Đê dâng lên cao khiến tuyến đường đi vào thôn ngập gần 1,5 m. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn có đoạn bị ngập như ĐH2, ĐH8, đường La Châu đi Gò Chùa… Chính quyền TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến trưa 8/10 huyện Hòa Vang đã phải sơ tán 23 hộ dân với 73 nhân khẩu.

4 người chết và 7 người mất tích

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, ngoài tình hình ngập lụt như trên, đến chiều 8/10 đã có 4 người chết và 7 người mất tích (Quảng Trị 5, Thừa Thiên Huế 1, Gia Lai 1). Cụ thể:

Tỉnh Quảng Trị, đến cuối giờ chiều 8/10, ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị xác nhận, địa phương đã ghi nhận 2 người chết và 6 người mất tích do mưa lũ.

Mưa lũ ở Quảng Trị làm 1 người chết, 7 người mất tích.
Mưa lũ ở Quảng Trị làm 1 người chết, 7 người mất tích. (Ảnh chụp video)

2 trường hợp chết là cháu L.T.M.H (3 tuổi, trú thôn Câu Hà, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, trượt chân rơi xuống sông Ô Lâu) và ông Lê Hải Ánh (61 tuổi, thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa; bị nước cuốn trôi). Thi thể của cả 2 đã được tìm thấy.

Huyện Hướng Hóa có 4 người mất tích trong lũ lớn, gồm Phạm Văn Nam (35 tuổi), Lê Quang Hùng (28 tuổi, cùng trú xã Hướng Tân; mất tích trên hồ Rào Quán); Lê Bá Chương (thôn CuTaKa, xã Hướng Lộc) và Hồ Văn Khơi (thôn Cu Dong, xã Húc).

2 trường hợp mất tích còn lại đang được tìm kiếm là thuyền viên của một chiếc tàu nạo vét luồng lạch bị chìm, hiện danh tính chưa được xác định.

Tỉnh Quảng Bình, bà Hồ Thị Núc ở bản Ba Looc (xã Dân Hóa, H.Minh Hóa) bị điện giật gây thương tích do cột điện đổ.

Tỉnh Quảng Nam, trước đó, khoảng 21 giờ ngày 7/10, ông Nguyễn Văn Lợi (53 tuổi, ở thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đang dọn đồ đạc để chạy lũ bị điện giật tử vong. Đáng chú ý, vào sáng 8/10, có 7 con bò của hộ ông Pơloong Môi (thôn Dading, xã Gari, H.Tây Giang) bị sét đánh chết gây thiệt hại nặng nề.

Tỉnh Quảng Ngãi, chiều 8/10 đã tìm thấy thi thể ông Phạm Văn Neo (66 tuổi, ở thôn Nước Lầy, xã Ba Ngạc, H.Ba Tơ) bị nước cuốn trôi. Tối 7/10, ông Neo cùng vợ là Phạm Thị Tam lội qua suối Nước Lầy để về nhà. Do mưa lớn, nước chảy mạnh đã cuốn trôi cả 2 vợ chồng. Bà Tam sau đó bơi được vào bờ, còn ông Neo bị dòng nước cuốn đi.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến tối 8/10, trên địa bàn tỉnh có 1 người mất tích và 4 người bị thương do mưa lũ (cả 5 người đều trú ở H.Phong Điền), trong đó, 1 thanh niên mất tích khi đi săn bắt chim, đến chiều 8/10 vẫn chưa tìm thấy; 4 người còn lại 1 người bị rắn cắn, 3 người bị trượt té ngã do mưa lũ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong các ngày 9 đến 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.

Cảnh báo từ ngày 11/10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở cấp 2.


Mưa lũ nhấn chìm nhiều làng mạc, miền Trung sơ tán khẩn cấp 11.000 dân