Ngày 9/3: Hà Nội và Gia Lai bắt đầu tiêm vaccine COVID-19, dỡ phong tỏa Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay ngày 9/3, các điểm tiêm chủng ở Hải Dương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng tiêm cho nhóm ưu tiên tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai.

Trước đó, sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam tại 2 bệnh viện (ở Hà Nội và TP. HCM) và 2 Trung tâm Y tế ở tỉnh Hải Dương theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

Theo trang tin Bộ y tế, trong ngày, tổng cộng đã thực hiện tiêm cho 377 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng. Cụ thể:

  • Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người;
  • Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã tiêm cho 104 người;
  • Tại 2 điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người.

Trong ngày hôm nay (9/3), các điểm tiêm chủng nêu trên tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm vắc xin COVID-19 tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai. Các tỉnh còn lại đang lập kế hoạch để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.

Một số phản ứng không mong muốn

Bộ Y tế cho hay, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine COVID-19 có thể gây một số phản ứng không mong muốn sau tiêm, từ mức độ nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn, đến nghiêm trọng là sốc phản vệ.

Sau khi tiêm vaccine, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Hải Phòng dỡ phong tỏa Bệnh viện Giao thông vận tải

Thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Hải Phòng cho biết, kết quả xét nghiệm 3 lần COVID-19 vào ngày 8/3 của toàn bộ 27 nhân viên y tế, người lao động đang cách ly tại bệnh viện đều âm tính. Bệnh viện đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ.

Cùng với đó, kết quả xét nghiệm của 2.557 mẫu của các F1 (xét nghiệm 3 lần) liên quan đến chùm ca bệnh đều âm tính. Do đó, thành phố quyết định dỡ phong tỏa cho các đơn vị và địa phương liên quan bao gồm:

  1. Bệnh viện Giao thông Vận tải;
  2. Thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên;
  3. Lô 112 khu tập thể Công nhân, phường Dư Hàng, quận Lê Chân;

Bên cạnh đó, thành phố cho dừng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên), phường Dư Hàng (quận Lê Chân) và thôn Kim Sơn, xã Lê Thiện (huyện An Dương) và cho phép một số hoạt động trở lại.

Sau khi xin ý kiến Bộ Y tế, chính quyền thành phố, Sở Y tế Hải Phòng thực hiện dỡ phong tỏa, cho phép Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng mở cửa hoạt động trở lại từ 0h00 ngày 9/3/2021.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 6h ngày 9/3

Tính đến 6h ngày 9/3, Việt Nam hiện vẫn có 2.524 bệnh nhân COVID-19, trong đó, có 1585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 893 ca tại 13 tỉnh/thành gồm: Hải Dương (709 ca), Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. HCM (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh/thành đã qua 24 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. HCM.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 45.219, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện: 506
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.266
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 30.446.

Tình hình điều trị: Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện còn BN1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là bệnh nhân nặng nhất, nhưng hiện đã không còn phải can thiệp ECMO và đã có nhiều tiến triển rõ rệt về sức khoẻ.

Trường hợp nặng thứ 2 là BN1823 đang chạy ECMO ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2, ngày thứ 20, hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được xét nghiệm virus COVID-19 12 lần và nhiều lần âm tính rồi lại dương tính.

Trường hợp nặng thứ 3 là BN2332 (60 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2- Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương từng rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu, nay đã cho kết quả 3 lần liên tiếp âm tính với virus Vũ Hán. Bác sĩ đánh giá sức khoẻ bệnh nhân này đang dần ổn định.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đều là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng. Cụ thể: Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế

Việt Nam Xã hội

Ngày 9/3: Hà Nội và Gia Lai bắt đầu tiêm vaccine COVID-19, dỡ phong tỏa Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng