Người dân TP.Hà Nội được cấp giấy đi đường trong trường hợp nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công an TP. Hà Nội vừa thông tin về việc đề xuất 6 nhóm trường hợp được cấp giấy đi đường và quy trình cấp giấy đi đường trong thời gian tới.

Chiều 3/9, UBND TP. Hà Nội cho biết có 15 quận, huyện là "vùng đỏ" sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn sau ngày 6/9.

Trong khi đó, các khu vực có nguy cơ cao “vùng vàng" và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp.

Công an TP. Hà Nội được phân công đảm nhận việc cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực thành phố trong thời gian tới.

Về các trường hợp được cấp giấy đi đường, Công an TP. Hà Nội cho biết đang dự kiến có 6 nhóm được cấp, bao gồm:

Nhóm 1: là các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp. Cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được quy định tại Chỉ thị 16.

Nhóm này còn bao gồm các cá nhân làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoại giao của Việt Nam trong khu vực thành phố.

Các cá nhân làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế không thuộc quy định giấy đi đường mà thực hiện theo các quy định và thông lệ quốc tế.

Nhóm 2: là các cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.

Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng dịch bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ phòng dịch tại các quận, huyện, thị xã.

Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ đưa tin công vụ, ngoại giao, đưa tin về việc phòng dịch; nhân sự trực cơ quan.

Nhóm 5: Các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Các trường hợp này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.

Bên cạnh đó, các trường hợp được cấp giấy đi đường là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến Tòa theo giấy triệu tập của Tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.

Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

Về quy trình cấp giấy đi đường, Công an TP. Hà Nội cho biết có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm trường hợp.

Cụ thể, đối với các nhóm 1, 3 , 4, 5 sẽ có 4 bước:

  • Bước 1: tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp với công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.
  • Bước 2: công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hồ sơ, gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.
  • Bước 3: công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.
  • Bước 4: Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Đối với các trường hợp thuộc nhóm 2, 6 cũng có 4 bước:

  • Bước 1: các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng...).
  • Bước 2: cơ quan chủ quan căn cứ trường hợp được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sở về Công an thành phố.
  • Bước 3: Công an thành phố chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản.
  • Bước 4: Cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Công an TP. Hà Nội cho biết sẽ thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tùy thuộc vào từng việc cụ thể.

Đề xuất shipper hoạt động từ 9h đến 20h mỗi ngày

Ngày 3/9, Sở GTVT TP. Hà Nội có văn bản gửi UBND thành phố đề xuất thời gian hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính bằng môtô, xe 2 bánh của nhân viên giao hàng chỉ từ 9h đến 20h hàng ngày.

Sở cũng đề xuất UBND thành phố yêu cầu các sở Công thương, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu nhân viên giao hàng khi vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên còn thời hạn theo quy định của ngành y tế.

Trước đó, từ ngày 24/7, Sở GTVT TP. Hà Nội đã dừng các hoạt động chở khách, hàng hóa bằng môtô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm", xe giao hàng công nghệ - shipper khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27/4 đến 18h ngày 3/9, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 3.424 ca mắc COVID-19. Trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.559 ca, số ca mắc trong khu vực đã được cách ly: 1.865 ca.

Minh Nguyệt


Người dân TP.Hà Nội được cấp giấy đi đường trong trường hợp nào?