Nhiều tỉnh dừng hoạt động cơ sở kinh doanh, nâng cảnh báo dịch lên mức cao nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều tỉnh thành đã quyết định tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, giải trí, tập trung đông người, nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất.

Trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, nhiều địa phương đã ra thông báo tạm dừng các hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ, giải trí, sự kiện tập trung đông người nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

Vĩnh Phúc dừng tất cả hoạt động tập trung đông người, học sinh nghỉ học đến hết 8/5

Tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cho học sinh khối Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh nghỉ học từ ngày 3/5 đến hết ngày 8/5. Sau thời gian trên, tùy vào tình hình thực tế của dịch bệnh, tỉnh sẽ có thông báo mới.

Địa phương này cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; tạm dừng hoạt động giao thông công cộng.

Đồng thời, yêu cầu dừng các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí tại các địa điểm công cộng, khu du lịch.

Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết; hạn chế việc di chuyển ra tỉnh ngoài và trong tỉnh; cấm tụ tập đông người, tổ chức liên hoan, ăn uống, tiệc tùng; việc tổ chức lễ hỏi, cưới xin, ma chay thực hiện trong phạm vi gia đình nhưng phải bảo đảm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại địa phương, trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tạm dừng tất cả các chợ tạm, chợ cóc, chợ tự phát, bán hàng rong xung quanh các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, chùa chiền, quảng trường tập trung đông người.

Yêu cầu kê khai và khai báo y tế đối với 100% công nhân tại doanh nghiệp, công trường xây dựng; yêu cầu xét nghiệm 100% đối với người lao động có nguy cơ lây nhiễm, số công nhân đi khỏi địa phương trong đợt nghỉ 30/4 - 1/5.

Tại Hà Nội, từ 17h ngày 3/5, thành phố đã tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có thông báo mới.

Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động nhiều dịch vụ trên toàn tỉnh từ 0h00 ngày 5/5 để chống dịch COVID-19. Theo đó, các dịch vụ như: Karaoke, quán bar, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, vũ trường, massage, xông hơi, điểm truy cập internet, trò chơi điện tử, các sự kiện văn hóa thể thao, các hoạt động kinh doanh thể thao… tạm dừng hoạt động đến khi có thông báo lại.

TP. Đà Nẵng nâng cảnh báo dịch lên mức tối đa

Ngày 3/5, TP. Đà Nẵng ra quyết định tạm dừng một số hoạt động từ 0h00 ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể, dừng các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, quán bar-pub, vũ trường, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm.

Dừng tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia…) tập trung quá 30 người.

Dừng các hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; hoạt động thể thao, võ thuật có tiếp xúc trực tiếp; hoạt động tắm biển.

Dừng hoạt động dạy và học tại các trường mầm non, nhóm trẻ (đối với cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở còn lại, khuyến khích dạy học trực tuyến).

Đối với các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (kể cả quán ăn, uống trên vỉa hè) phải thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích đặt hàng và bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi.

Phương tiện vận tải hành khách công cộng (kể cả taxi, grab car) trên địa bàn thành phố được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép đối với mỗi loại phương tiện và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tỉnh Bình Phước nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất

Ngày 3/5, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản khẩn về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng sau kỳ nghỉ 30/4 – 1/5.

Theo đó, tỉnh Bình Phước kích hoạt ngay quy trình phòng chống dịch tại tất cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; nâng mức cảnh báo lây nhiễm dịch bệnh lên mức cao nhất.

Tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người không cần thiết.

Đối với sự kiện tổ chức tập trung trên 100 người phải có văn bản xin ý kiến của tỉnh.

Hoạt động dưới 100 người phải bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thực hiện nghiêm quy định 5K.

Tăng cường các hội nghị, họp bằng hình thức trực tuyến.

Sau kỳ nghỉ, tất cả người dân từ các tỉnh, thành phố có ca nhiễm trong cộng đồng về Bình Phước phải khai báo y tế.

Anh Thư


Nhiều tỉnh dừng hoạt động cơ sở kinh doanh, nâng cảnh báo dịch lên mức cao nhất