Nhiều ý kiến về yêu cầu ký cam kết nếu không tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4

Giúp NTDVN sửa lỗi

Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) cho rằng việc chính quyền các địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3, mũi 4 phải ký giấy cam kết là việc “quản lý xã hội không dựa trên nguyên tắc pháp luật mà bằng niềm tin, mang đầy cảm tính”.

Trước tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3, mũi 4 chậm, một số địa phương tại Việt Nam đã yêu cầu người không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.

Trả lời về vấn đề này, trong cuộc họp báo chiều 27/6, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Phan Trọng Lân cho biết: “Người dân ký cam kết tiêm vaccine là cần thiết, giúp nâng cao trách nhiệm của các bên trong phòng, chống COVID-19. Còn địa phương yêu cầu là thể hiện trách nhiệm với người dân trong các hoạt động của mình”.

Nhiều người dân bày tỏ sự phân vân và không đồng ý với quy định này của ngành y tế.

Độc giả Phuongthuy1973 bình luận trên Vnexpress: “Làm gì cũng trên cơ sở pháp luật. Việc tiêm vaccine là quyền hay nghĩa vụ? Được quy định ở đâu? Nếu quyền thì người dân được lựa chọn, nếu nghĩa vụ thì không phải cam kết mà buộc thực hiện”.

Độc giả Lê Trung cũng gửi bình luận: “Khi đến tiêm vaccine thì mỗi người đều phải ký giấy “tự nguyện” tiêm, đối với trẻ em thì phụ huynh phải ký giấy “đồng thuận” tiêm và bây giờ nếu không đồng ý tiêm thì phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm?”

Độc giả Phunghoang1060 cho rằng “Nếu muốn người dân cam kết thì chính phủ cần ban hành một quy định rõ ràng trên phạm vi toàn quốc. Tránh việc mỗi địa phương một quy định làm người dân bối rối”.

Trên báo Tuổi Trẻ, độc giả Hieu đưa ra bình luận: “Bắt người dân ký cam kết nếu không tiêm vaccine, vậy y tế có ký cam kết với người dân chịu trách nhiệm nếu tiêm vaccine mà xảy ra vấn đề gì như sốc thuốc, chết người không?”

Trao đổi về vấn đề này trên báo Vnexpress, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) cho rằng việc chính quyền các địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh là không khả thi, không cần thiết, tốn kém của cải xã hội. Đây là việc “quản lý xã hội không dựa trên nguyên tắc pháp luật mà bằng niềm tin, mang đầy cảm tính”.

Về tính khả thi, luật sư Tiến Vinh cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu người thì việc lập và ký cam kết sẽ gây rất nhiều phiền hà, tốn kém chi phí thực hiện. Luật sư đưa ra dẫn chứng một số lĩnh vực từng yêu cầu người dân cam kết như: không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… nhưng thực tế hiệu quả rất thấp.

Về giá trị pháp lý, luật sư Tiến Vinh cho hay, cam kết là văn bản đơn phương của người cam kết với nhà chức trách. Trong khi đó, nếu người dân vi phạm, nhà chức trách vẫn phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý chứ không thể giải quyết “theo cam kết”.

Trao đổi với báo Thanh Niên bên lề buổi họp báo chiều 27/6 về vấn đề này, một chuyên gia dự phòng của Bộ Y tế cho hay “yêu cầu người dân ký cam kết là không đúng; hiện không có văn bản nào quy định như vậy”.

Minh Nguyệt (tổng hợp)

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Nhiều ý kiến về yêu cầu ký cam kết nếu không tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4