Những điều vô lý trong 1 nghị định khiến việc làm thiện nguyện bị xem là phi pháp, Việt Nam có nên sửa luật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Việt Nam thời gian gần đây, trong bối cảnh lũ lụt đang gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung, nhiều cá nhân đã đứng ra kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu trợ. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP, các việc làm thiện nguyện trên có thể bị xem là phi pháp.

Cụ thể, Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".

Cùng với đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính còn ngặt nghèo hơn so với Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Theo thông tư này, báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.

Như vậy, căn cứ theo những quy định nêu trên thì việc làm thiện nguyện của nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật. Ngoài ra, nhiều báo, đài cũng vi phạm Thông tư trên khi đã và đang tổ chức giao trực tiếp tiền, hàng cứu trợ cho bà con chứ không giao nộp cho Ban cứu trợ cùng cấp như yêu cầu của thông tư.

Một vấn đề đặt ra là, những quy định trên có cần được nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính pháp lý cho những hoạt động thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức.

Ý kiến từ các luật sư

Luật sư Ngô Ngọc Trai (từ Hà Nội) cho hay, cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".

Viết trên Facebook cá nhân, vị luật sư Hà Nội chỉ ra rằng, nội dung Nghị định 64/2008/NĐ-CP quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Có diễn giải khác, ông Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019. Tại cả 2 văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện.

Ông Bá cho biết, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định rõ, hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm.

Theo luật sư Vũ Quang Bá, việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như: Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện.

Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hoạt động kêu gọi từ thiện từ cá nhân như của nữ ca sĩ Thủy Tiên vừa qua là từ thiện tự phát và không phải tuân theo các quy định của pháp luật, mà được điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức.

Luật sư Cường cho biết, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Theo luật sư Cường, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng, cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức.

Về Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP, luật sư Cường cho biết, những quy định này đang có những hạn chế nhất định và chưa thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Theo luật sư Cường, những quy định pháp luật không còn phù hợp có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện.

Quan điểm của luật sư Cường là Chính phủ nên có những dự thảo sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật này, hoặc có những văn bản dạng thông tư, quyết định, chỉ thị để bổ sung làm rõ những trường hợp hoạt động từ thiện từ cá nhân như Thủy Tiên, để tránh gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

Bản tin phát lúc 9h30 ngày 21/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong 12 giờ vừa qua (từ 19h ngày 20/10 đến 07h ngày 21/10), ở các tỉnh từ phía Nam Hà Tĩnh đến Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi lớn hơn như: Đông Hà (Quảng Trị) 116mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 130mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 139mm,…

Dự báo: Trưa chiều nay (21/10), ở khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ đêm nay mưa giảm dần.

Việt Nam Chính trị

Những điều vô lý trong 1 nghị định khiến việc làm thiện nguyện bị xem là phi pháp, Việt Nam có nên sửa luật?