Ninh Thuận lập biên bản 1.362 người dân về quê, tạm giữ 679 xe máy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên quan đến việc phạt người dân tự ý về quê, Công an tỉnh Ninh Thuận đã lập biên bản ghi nhận vụ việc đối với 1.362 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính 111 trường hợp và tạm giữ 679 xe máy các loại.

Ngày 10/10, Công an tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản chính thức cung cấp thông tin liên quan đến việc xử lý các trường hợp người dân từ vùng dịch các tỉnh phía Nam về Ninh Thuận.

Theo nội dung văn bản, từ 18h ngày 31/7 đến ngày 2/8, có khoảng 3.000 người dân tỉnh Ninh Thuận từ các tỉnh, thành phía Nam có dịch COVID-19 (TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương…) trở về địa phương. Trong đó, tỉnh đã tổ chức đón hơn 2.000 người trong đêm 31/7 và hơn 1.000 trường hợp đã di chuyển khỏi địa phương trước ngày 1/8.

Từ ngày 3/8 đến ngày 1/10, có 1.776 người dân tỉnh Ninh Thuận từ các tỉnh phía Nam có dịch trở về địa phương (chủ yếu tại Chốt kiểm soát Cà Ná, huyện Thuận Nam).

Công an tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc người dân tự ý rời khỏi nơi tạm trú ở TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương… về địa phương đã vi phạm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc “ai ở đâu ở đấy”, “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Do đó, từ ngày 3/8 đến ngày 1/10, Công an huyện Thuận Nam đã lập biên bản ghi nhận vụ việc đối với 1.362 trường hợp người dân về quê, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 111 trường hợp, không lập biên bản đối với 303 trường hợp do dưới 14 tuổi; tạm giữ 679 xe máy các loại.

Trong số các trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính, Công an huyện Thuận Nam đã củng cố hồ sơ, thủ tục và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 95 trường hợp. Trong đó, phạt cảnh cáo 11 trường hợp, phạt tiền 84 trường hợp. Đã có 57 trường hợp chấp hành nộp tiền phạt.

Theo Công an tỉnh Ninh Thuận, việc xử lý các vi phạm trên theo khoản 2, Điều 14, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài, người dân rất khó khăn trong sinh hoạt, buộc phải trở về địa phương, nhiều trường hợp không có khả năng đóng phạt.

Vì thế, đối với các trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (16 trường hợp chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 27 trường hợp đã ban hành quyết định nhưng chưa chấp hành), Công an tỉnh Ninh Thuận tổ chức xác minh hoàn cảnh của từng trường hợp để quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Sau khi đã được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp người vi phạm không có khả năng thi hành (căn cứ đơn xin miễn, giảm tiền phạt của người vi phạm có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thường trú), lực lượng công an sẽ hướng dẫn người vi phạm thực hiện thủ tục giảm, miễn tiền phạt (theo quy định tại điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Còn đối với các trường hợp đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, Công an huyện Thuận Nam tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiến hành các thủ tục hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính) và giảm, miễn tiền phạt (theo quy định tại điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Đối với các phương tiện đã tạm giữ của các trường hợp vi phạm, công an trả cho người dân sau khi họ hoàn thành cách ly y tế tập trung theo quy định; không giữ phương tiện vì lý do đảm bảo việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Công an tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 1/10 đến 10/10, sau khi TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, số lượng người dân Ninh Thuận đang sinh sống và làm việc tại các địa phương trên trở về quê gia tăng đột biến với 6.099 người.

Căn cứ vào Công điện số 1265/CĐ-TTg, ngày 30/9 của Thủ tướng Chính phủ (về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Công an tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Công an huyện Thuận Nam không tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên.

Từ 1/10, TP. HCM áp dụng Chỉ thị 18 nới lỏng giãn cách xã hội trong trạng thái “bình thường mới”. Chỉ trong chưa đầy một tuần sau đó, đã có hơn 90.000 người rời TP. HCM trở về quê ở miền Tây, miền Trung và khu vực phía Bắc.

Vào ngày 5/10, thông tin Công an huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) lập biên phạt xử phạt 5 triệu đồng/người dân khi đi từ các tỉnh, thành phía Nam trở về quê bằng xe máy đã nhận phải nhiều chỉ trích.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận – cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người dân Ninh Thuận ở các tỉnh phía Nam bị mất việc, không có thu nhập, trở về quê ngày càng nhiều, có ngày hơn 2.000 người.

Trong ngày 5/10, Công an huyện Thuận Nam đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm hành chính vì không tuân thủ quy định phòng dịch, mỗi người bị phạt 5 triệu đồng (có 2 người đã nộp phạt).

Tại cuộc họp báo ngày 9/10, ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – cho biết: "Chúng tôi không có ý định thu một đồng nào của người dân vì bà con đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài. Vì vậy, những trường hợp đã lập biên bản sau khi hoàn thiện hồ sơ, công an sẽ hướng dẫn họ làm đơn miễn nộp phạt".

Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Thế Hùng nói: "Việc lập biên bản xử phạt chỉ là động tác kỹ thuật. Sau khi lập biên bản, chúng tôi đã có những bước tiếp theo như: hướng dẫn những người có hộ nghèo, những người không có thu nhập làm đơn xin gia hạn hoặc giảm, miễn nộp phạt. Chúng tôi đã đề xuất việc này với lãnh đạo tỉnh".

Chiều 7/10, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có công điện “hoả tốc” yêu cầu các tỉnh, thành phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng về quê an toàn. Công an tỉnh Ninh Thuận đã dừng việc lập hồ sơ xử phạt những người dân về quê từ thời điểm này.

Mạnh Hùng


Ninh Thuận lập biên bản 1.362 người dân về quê, tạm giữ 679 xe máy