Nữ giáo viên bị kỷ luật vì mượn bằng tốt nghiệp THPT hàng xóm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Lê Thị Nga, giáo viên dạy nhạc trường THCS Lương Thế Vinh, bị phát hiện mượn bằng THPT của hàng xóm để đi học, đi dạy trong khi bà chỉ học đến lớp 8 thì nghỉ.

Ban Giám hiệu trường THCS Lương Thế Vinh, TP Buôn Ma Thuột đã họp kiểm điểm giáo viên Lê Thị Nga (tên trong hồ sơ là Lê Thị Ngọc Châu), rồi sẽ báo cáo kết quả lên cấp trên.

Trước đó, UBND TP Buôn Ma Thuột ra văn bản yêu cầu trường THCS Lương Thế Vinh tổ chức họp kiểm điểm để buộc thôi việc đối với bà Lê Thị Nga vì sai phạm trong sửa đổi hồ sơ lý lịch cá nhân; sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của người khác để được đi học trung cấp, cao đẳng và đại học; sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng vào làm viên chức nhà nước.

Theo thông tin khai trong hồ sơ, bà Lê Thị Nga, sinh năm 1975, quê huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, có trình độ văn hóa 8/12. Hàng xóm bà Nga là bà Lê Thị Ngọc Châu, sinh năm 1973, trình độ văn hóa 12/12. Năm 1992, bà Nga mượn bằng tốt nghiệp THPT của bà Châu, thay tên tuổi, hợp thức hóa hồ sơ nộp vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa.

Sau 4 năm, bà Nga xin cấp mới chứng minh nhân dân, sử dụng bằng trung cấp mang tên bà Lê Thị Ngọc Châu để xin việc và được tuyển làm giáo viên âm nhạc tại trường THCS Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Trong quá trình giảng dạy, bà Nga nộp hồ sơ vào học hệ tại chức trường Cao đẳng Nhạc - Hoạ trung ương. Năm 2000, bà Nga xin chuyển công tác theo chồng vào Đăk Lăk và được phân công về dạy tại một trường tiểu học ở huyện Buôn Đôn.

Năm 2009, bà Nga tiếp tục sử dụng bằng tốt nghiệp THPT lấy tên bà Châu để học trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp cử nhân âm nhạc hệ tại chức sau bốn năm. Từ năm 2013 đến nay, bà Nga chuyển về dạy âm nhạc tại trường THCS Lương Thế Vinh.

Trong bản kiểm điểm, bà Nga thừa nhận sử dụng bằng THPT của người khác để thăng tiến, giải thích do điều kiện gia đình ở quê khó khăn buộc phải nghỉ học từ năm lớp 8. "Mục đích của tôi chỉ mong học để có một cái nghề sau này sinh sống và bản thân cũng chưa sử dụng bằng cấp để gây hậu quả nghiêm trọng. Suốt 25 năm giảng dạy môn âm nhạc, tôi chưa bị kỷ luật gì", bà Nga trình bày.

Năm ngoái, nữ trưởng phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk bị buộc thôi việc vì dùng bằng tốt nghiệp THPT của chị ruột để xin việc và thăng tiến.

Hiện nay, tình trạng bằng giả và chạy bằng cấp đang gây nhiều bức xúc trong xã hội và là một biểu hiệu của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Đây không phải chuyện mới nhưng tình trạng này diễn ra càng ngày càng nhiều. Học giả, bằng giả, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy và tổn hại.

Để giải quyết vấn nạn này, cần có quy trình cấp phát bằng tại các trường chặt chẽ hơn. Đồng thời các cấp quản lý cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tuyển dụng cần có quy định cụ thể, và xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả, chạy bằng cấp.

Tiến Thành

Việt Nam Xã hội

Nữ giáo viên bị kỷ luật vì mượn bằng tốt nghiệp THPT hàng xóm