Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố tội lừa dối khách hàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (còn được gọi với tên 'đại gia điếu cày') bị đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Cụ thể theo báo Tuổi Trẻ, ngày 2/4, Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội kết thúc điều tra vụ án Lừa dối khách hàng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo đó, sau hơn 1 năm rưỡi khởi tố vụ án gây xôn xao dư luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng kết luận điều tra sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Lê Thanh Thản (sinh năm 1950, ngụ phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.

Ông Thản bị đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng theo khoản 2, Điều 198, BLHS năm 2015.

Trong cùng vụ án, Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 6 cán bộ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản gồm:

  • Nguyễn Duy Uyển, sinh năm 1964, nguyên chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (quận Hà Đông);
  • Vương Đăng Quân, sinh năm 1958, nguyên phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông;
  • Mai Quang Bài, sinh năm 1960, cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông
  • Cùng 3 người khác là: Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm.

Đà Nẵng cưỡng chế tháo dỡ các sai phạm của Mường Thanh từ tháng 4

Trước đó, ngày 10/3, chính quyền Q.Ngũ Hành Sơn cho biết, Chủ tịch quận vừa ký ban hành kế hoạch về việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng của công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Đà Nẵng và Căn hộ cao cấp Sơn Trà (gọi tắt là chung cư Mường Thanh, P.Mỹ An), do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Thời gian dự kiến từng nội dung công việc như sau:

  • Từ ngày 15/3 đến ngày 4/4: phân công lực lượng và triển khai các nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế. Công tác tổ chức cưỡng chế thực hiện theo 2 giai đoạn (dự kiến thời gian 180 ngày); tùy theo tình hình thực tế việc tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm, thời gian có thể thay đổi cho phù hợp.
  • Giai đoạn 1 cưỡng chế (từ ngày 6/4 đến hết ngày 30/6: tháo dỡ từ tầng 2 đến tầng 5.
  • Giai đoạn 2 cưỡng chế (từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9): tháo dỡ tại các tầng 35, 41, 42 và 2 tầng (gồm tầng kỹ thuật và tầng mái), .

Thời gian cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính, khu vực cưỡng chế phong toả 24/24.

Theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên phải chịu toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định (theo Điều 41, Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

Trường hợp doanh nghiệp này không thực hiện thanh toán chi phí cưỡng chế sau khi đã nhận được văn bản thông báo của chính quyền quận thì chi phí cưỡng chế được tạm ứng từ ngân sách và sẽ hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của doanh nghiệp.

Chính quyền quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí và hoàn tất việc tìm nhà thầu.

Khoản 2 Điều 198 BLHS năm 2015 quy định phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm trong các trường hợp:
  • Phạm tội có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
  • Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Việt Nam Xã hội

Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố tội lừa dối khách hàng