Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố 10-15 năm tù

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, 53 tuổi, bị cáo buộc hai lần nhận tài liệu mật vụ án Nhật Cường từ Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ C03 Bộ Công an.

Ngày 20/11, ông Nguyễn Đức Chung, 53 tuổi cùng Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật hình sự 2015. Khung hình phạt 10-15 năm tù.

Cùng tội danh, tài xế riêng của ông Chung là Nguyễn Hoàng Trung, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập Văn phòng UBND Hà Nội và Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, cựu phó trưởng Phòng Thư ký biên tập bị đề nghị truy tố theo khoản 1. Khung hình phạt 2-7 năm tù, theo Vnexpress.

5 tháng trước vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được khởi tố. Hành vi của 4 bị can xảy ra trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an điều tra về sai phạm của Công ty Nhật Cường.

Cơ quan điều tra cho rằng Dũng ba lần chuyển 12 tài liệu vụ án cho ông Nguyễn Đức Chung. Một nửa trong số này thuộc danh mục mật. Cụ thể, từ tháng 7/2019 đến 6/2020, Dũng 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu mật; nhiều lần photo tài liệu ngay tại cơ quan và mang về nhà. Có lần, Dũng đột nhập phòng làm việc của một trưởng phòng C03 bằng chìa khoá đánh trộm trước đó.

Với các tài liệu này, Dũng ba lần cung cấp tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung, trong đó hai lần cung cấp 6 tài liệu mật vào các ngày 25/8/2019 và 10/6/2020.

Đối với bị can Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Anh Ngọc, đã có 1 lần nhận 3 tài liệu thông qua ứng dụng "Viber" là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" từ bị can Nguyễn Đức Chung, và chuyển tiếp cho nhau in ra, đưa lại cho bị can Nguyễn Đức Chung.

Trong vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước này, ông Nguyễn Đức Chung được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Ba bị can còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức. Quá trình điều tra, ông Chung thừa nhận, khai báo rõ hành vi phạm tội.


Tháng 8/2020: Ông Nguyễn Đức Chung bị bắt

Bộ Công an ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung. Ông Chung bị bắt về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự, theo Cổng thông tin Bộ Công an.

Bộ Công an cho biết việc khám xét nơi làm việc của ông Chung tại trụ sở UBND thành phố đang được tiến hành cùng thời điểm.

Tối cùng ngày, 10 công an và kiểm sát viên mặc sắc phục tiến vào căn nhà 4 tầng của ông Chung ở mặt phố Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội. Một xe cứu thương và một xe 7 chỗ biển xanh 80A đỗ trước cửa, theo Vnexpress.

Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ông Chung giữ chức chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từ ngày 4/12/2015.

Hồi tháng 5/2020 tại Hội nghị TW 12, ông Chung nằm trong số 87 nhân sự được qui hoạch ứng cử vào Bộ chính trị nhiệm kỳ sau.

17 ngày trước ông Chung đã bị tạm đình chỉ công tác

Hôm 11/8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung.

Ngày 16/7, Bộ Công an cho biết đã quyết định khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" liên quan đến thành viên tổ thư ký, tài xế của ông Chung.

Ngày 22/7, sau 6 ngày khởi tố vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, 3 người bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, ra lệnh tạm giam để điều tra tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 gồm:

  • Nguyễn Hoàng Trung, lái xe của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
  • Nguyễn Anh Ngọc, Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội.
  • Phạm Quang Dũng, 37 tuổi, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an).

Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án.

'Làm rõ ba vụ án liên quan ông Nguyễn Đức Chung'

Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết có ba vụ án cần làm rõ liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung.

Cụ thể, các vụ án đó bao gồm: Vụ "buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường.

Vụ thứ hai là "vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan. Vụ án thứ ba là "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội.

Theo tìm hiểu, 2 trong 3 vụ án nêu trên có liên quan đến Công ty Nhật Cường, do ông Bùi Quang Huy (46 tuổi, ngụ Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Cách đây hơn 1 tuần (ngày 20/8), cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, do có liên quan đến việc mua sắm, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C của Đức để xử lý các hồ ô nhiễm tại Hà Nội. Việc cung cấp chế phẩm Redoxy 3C có liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, với vốn đầu tư của ông Nguyễn Đức Hạnh, là con trai của ông Nguyễn Đức Chung, theo báo Thanh Niên.

Ông Chung tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, là tiến sĩ luật, có hàng chục năm công tác tại Công an Hà Nội, từ lãnh đạo Đội Trọng án đến Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc và Giám đốc Công an.

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị truy tố 10-15 năm tù