Quảng Ngãi đề xuất trả Bộ Y tế gần 200.000 liều vaccine COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất trả lại gần 200.000 liều vaccine để phân bổ cho địa phương khác có nhu cầu.

Ngày 13/6, theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Phạm Minh Đức - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi xác nhận địa phương còn dư gần 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19. Sở đã có ý kiến với UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi văn bản đề nghị trả Bộ Y tế để phân bổ cho địa phương khác.

Ông Đức cho hay, về nguyên tắc, nếu xác định không sử dụng hết lượng vaccine được cấp thì phải báo Bộ Y tế biết. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi khả năng không tiêm hết lượng vaccine được cấp nên phải hoàn trả, nếu để lại sẽ hết hạn sử dụng.

Theo văn bản UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Bộ Y tế, gần 200.000 liều vaccine COVID-19 có hạn sử dụng đến ngày 30/6.

Theo lý giải của Sở Y tế Quảng Ngãi, tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại địa phương trong thời gian gần đây rất chậm và khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca mắc mới, ca nhập viện và tử vong giảm; một bộ phận người dân sau khi khỏi bệnh đã không đồng ý tiêm chủng.

Bên cạnh đó, số lượng người đi khỏi địa phương để học tập, làm việc tại các tỉnh, thành phố khác sau khi tiêm mũi 2 ước tính là hơn 85.450 người.

Được biết, đến nay, tổng số vaccine ngừa COVID-19 được Bộ Y tế cấp cho tỉnh Quảng Ngãi là hơn 2,7 triệu liều và số lượng thực nhận là 2.701.484 liều. Tổng số vaccine đã sử dụng là 2.477.773 liều (chiếm 92%).

Trước đó, ngày 10/6, Bộ Y tế có công điện số 771 về việc tiếp nhận và thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ trường hợp thuộc diện phải tiêm, nếu để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Về việc có bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại các vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine hoặc khi đến vùng có dịch phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành quy định dịch COVID-19 là đại dịch nhóm A, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế, cũng như độ tuổi trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng, quy định độ tuổi và độ tuổi bắt buộc theo tình hình dịch.

Theo bà Hương, Tổ chức Y tế Thế giới cũng không khuyến cáo bắt buộc tiêm vaccine COVID-19.

Bà Hương thông tin: "Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tổ chức tiêm vaccine COVID-19 tự nguyện hơn là bắt buộc. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện cũng tiêm vaccine COVID-19 theo tinh thần tự nguyện, không bắt buộc; chỉ một số quốc gia bắt buộc với một số trường hợp như: quân nhân, cảnh sát…, chưa bắt buộc với trẻ em. Ngoài ra, các loại vaccine COVID-19 hiện vẫn đang nghiên cứu theo dõi các trường hợp sử dụng và hiệu quả của vaccine”.

Bà Hương cho hay, căn cứ vào quy định hiện hành và những lý do trên, tại thời điểm hiện nay, việc bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là nhóm trẻ 5 - 12 tuổi chưa có đủ cơ sở.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp và các đơn vị khác, các chuyên gia để xem xét việc tiêm vaccine COVID-19 là tự nguyện hay bắt buộc.

Mạnh Hùng (tổng hợp)

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Quảng Ngãi đề xuất trả Bộ Y tế gần 200.000 liều vaccine COVID-19