Quảng Ngãi yêu cầu con 4 quan chức trả lại 10 tỉ đồng du học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lý do là con 4 quan chức đã không về tỉnh Quảng Ngãi làm việc sau khi đi du học. Nhưng đến nay họ mới nộp hơn 1,1 tỉ trong 10 tỷ phải trả.

Chiều 7/5, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi thông báo về việc thu hồi và nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 1,1 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài của 4 trường hợp con quan chức đi học nhưng không về tỉnh phục vụ.

Đây là chương trình du học theo đề án "Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi".

Cụ thể 4 trường hợp đã nộp trả nhà nước số tiền như sau:

  • Bà Huỳnh Thị Lan Viên (con ông Huỳnh Chánh - giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi) đã trả 410 triệu đồng trong 2,05 tỉ đồng phải hoàn trả.
  • Bà Nguyễn Lê Ngọc Hà (con ông Nguyễn Chín - nguyên trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi) đã trả 120 triệu đồng trong 2,4 tỉ đồng phải trả.
  • Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (con ông Phạm Thanh Hải - nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã trả 170 triệu đồng trong 3,5 tỉ đồng.
  • Ông Phạm Thành Việt (con ông Phạm Tấn Hoàng - chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi) đã trả 400 triệu đồng/1,9 tỉ đồng phải hoàn trả.

Trước đó, tháng 11/2019, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi ra thông báo thu hồi gấp 2 kinh phí hỗ trợ đối với 4 cá nhân là con 4 quan chức tỉnh Quảng Ngãi. Đây là các trường hợp được đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài bằng tiền ngân sách nhưng không về phục vụ tỉnh Quảng Ngãi.

Quyết định yêu cầu 4 cá nhân phải trả lại tiền cho ngân sách trong 2 năm và chia làm 10 lần. Mỗi lần nộp tối thiểu 1/10 tổng kinh phí phải hoàn trả.

Theo đề án, khi kết thúc khóa đào tạo mà người được cử đi học không về công tác ở cơ quan được bố trí hoặc không chấp hành quyết định phân công công tác; bỏ việc, thôi việc bị kỷ luật khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết phải đền bù gấp đôi kinh phí được hỗ trợ.

Khó xử lý bồi hoàn?

Một hiệu trưởng trường đại học lớn đã chia sẻ với báo Lao Động về tình trạng sử dụng tiền ngân sách nhà nước để du học nhưng không về.

“10 năm nay, trường tôi có khoảng 20 người đi học theo ngân sách mà không trở về, cũng chẳng xử lý được, cứ “ùn ứ” ở đó. Học viên đi học theo đề án 322 hay 911 thì việc không trở về sẽ gây tổn thất cho ngân sách nhà nước nhưng việc bồi hoàn kinh phí đào tạo gần như là “bất khả thi”. Những người trở về thì hầu hết đều quay lại làm việc hoặc chuyển đơn vị công tác trong cùng hệ thống nhà nước nên sẽ không bị xử lý. Còn các trường hợp đi theo học bổng của các đơn vị ngoài nhà nước thì đành ngậm ngùi chịu thua”

Năm 2016, “cuộc chiến” giữa các nhân tài và chính quyền TP. Đà Nẵng nổ ra khi nhiều học viên hoàn thành khóa học thì ở lại nước ngoài định cư hoặc tiếp tục học lên cao. Sau đó, TP. Đà Nẵng phải phát đơn khởi kiện ra tòa.

Một vụ việc khác là Trường Đại học Cần Thơ khởi kiện một giảng viên ra TAND quận Ninh Kiều đòi bồi hoàn kinh phí đào tạo là 600 triệu đồng. Nhưng vụ việc đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa “ngã ngũ”.

Theo một số cán bộ được cử đi học bằng tiền ngân sách nhà nước chia sẻ, do cơ chế bố trí công việc cho họ khi trở về không hợp lý, công việc chưa phù hợp, chưa đúng theo nội dung đã cam kết trước đó.

Cũng có trường hợp là do chế độ lao động ở nước ngoài tốt hơn, môi trường công tác cũ không níu kéo được họ và chủ trương thu hút, giữ chân nhân tài của các địa phương còn nhiều hạn chế.

Việt Nam

Quảng Ngãi yêu cầu con 4 quan chức trả lại 10 tỉ đồng du học