Sáng 25/4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19; Tăng cường kiểm soát các tỉnh biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính từ 18h ngày 24/4 đến 6h ngày 25/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Các tỉnh khu vực biên giới tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp tại các nước láng giềng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 25/4, Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 40.846 người, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện 514 người;
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác 25.360 người;
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.972 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 48 ca.

Trong ngày 24/4, Việt Nam có thêm 22.935 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tính đến 16h ngày 24/4, có tổng cộng 198.972 người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố. Đây là những cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm ưu tiên từ sáng ngày 24/4.

Ngành Y tế Quảng Bình sẽ tổ chức tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 27/4 - 15/5 tại 7 điểm tiêm tại các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và Bệnh xá công an tỉnh.

Tăng cường phòng chống dịch COVID-19 khu vực biên giới

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các nước trong khu vực châu Á và các nước láng giềng, ngành Y tế Việt Nam và các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm soát khu vực biên giới.

Ngày 24/4, UBND tỉnh Bình Phước ban hành công văn khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại Nghệ An, ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Nghệ An là rất lớn vì Nghệ An có đường biên giới rất dài với Lào. Thời điểm này, Lào đang xảy ra tình trạng lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Việc vượt biên, nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới Nghệ An vẫn đang là vấn đề quan ngại.

Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An đến 17h ngày 24/4, toàn tỉnh có 5.409 trường hợp được tiêm vaccine phòng COVID-19, tổng phản ứng thông thường là 117 trường hợp.

Tại Cà Mau, với vị trí địa lý đặc biệt ba mặt giáp biển, tổng chiều dài đường bờ biển hơn 254km, địa hình đường bờ biển phức tạp, việc quản lý, ngăn chặn nhập cảnh trái phép là một trong những trọng tâm trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo thống kê của tỉnh, số người nhập cảnh, vượt biên trái phép qua đường biển về Cà Mau là rất lớn. Tính đến nay, Cà Mau đã phát hiện, tiếp nhận và cách ly 184 cá nhân nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch; trong đó, có 8 trường hợp là qua đường bộ và 176 trường hợp qua đường thủy.

Đánh giá về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại khu vực tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, GS.TS Trần Văn Thuấn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế - cho hay, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại khu vực tỉnh Cà Mau là luôn thường trực không chỉ trên đường biển mà còn cả trên đường bộ khi các cá nhân nhập cảnh trái phép có thể vào Việt Nam qua đường biên giới trên bộ ở các tỉnh như: Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh… và di chuyển về Cà Mau.

Vì vậy, Cà Mau cần tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép và sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo trang thống kê Worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 802.000 ca mắc mới COVID-19 và hơn 12.600 ca tử vong. Tổng số người mắc COVID-19 trên toàn cầu đến nay đã tăng lên đến hơn 147 triệu người; trong đó 124,6 triệu người đã phục hồi; 3,11 triệu người tử vong.

 

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục với hơn 349.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước này lên hơn 16,9 triệu người. Trong ngày 24/4, Ấn Độ có thêm 2.760 ca tử vong. Tổng số ca tử vong ở quốc gia châu Á này đang là 192.309 ca. Các lò hỏa táng phải hoạt động suốt ngày đêm để xử lý số thi thể ngày càng tăng trong bối cảnh Ấn Độ "vỡ trận" vì COVID-19.

Thái Lan, Lào, Campuchia đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong mới cao vào ngày thứ Bảy. Đáng chú ý, ổ dịch của cả ba quốc gia đều tập trung ở thủ đô.

Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục trong ngày 24/4 với 2.839 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 53.022 ca. Thêm 8 ca tử vong đã được báo cáo, nâng tổng số ca tử vong ở Thái Lan lên 129 ca.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đêm 24/4 đã ra lệnh đóng cửa 31 loại hình kinh doanh từ đầu tuần tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ ba đại dịch COVID-19 tại thủ đô.

Ngày 24/4, Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao chưa từng thấy, với 88 ca. Trong đó, thủ đô Viêng Chăn có 84 ca. Với 247 ca mắc COVID-19, Lào đã vượt Brunei trong bảng thống kê số ca bệnh ở các nước ASEAN. Brunei có tổng cộng 223 ca COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Lào chưa có ca tử vong do COVID-19.

Các bệnh viện tuyến Trung ương của Lào đang gấp rút bổ sung năng lực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 và xúc tiến việc thành lập 3 bệnh viện dã chiến với qui mô 1.150 giường để tiếp nhận các bệnh nhân, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Campuchia ngày 24/4 ghi nhận 10 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 71 ca. Campuchia đã quyết định đóng cửa tất cả các chợ ở thủ đô Phnom Penh từ thứ Bảy (24/4) đến ngày 7/5 để ngăn chặn sự gia tăng đột biến của số ca bệnh.

Đức Lâm


Sáng 25/4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19; Tăng cường kiểm soát các tỉnh biên giới