Sáng 28/4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19; Chuẩn bị phương án có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng 28/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, đã có 318.792 người tiêm vaccine.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 28/4, Việt Nam có tổng cộng 1.571 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 911 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 38.520 người, trong đó:

  • Cách ly tập trung tại bệnh viện: 523 người;
  • Cách ly tập trung tại cơ sở khác 23.189 người;
  • Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.808 người.

Trong số những trường hợp mắc bệnh đang được điều trị, 13 người có kết quả âm tính lần 1. Ngoài ra, 15 người âm tính lần 2 và 20 bệnh nhân âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. Số ca tử vong do COVID-19 ở Việt Nam đến nay là 35 ca, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị.

Chuẩn bị phương án có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng

Tại cuộc họp chiều 27/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nguy cơ dịch bệnh rất cao không chỉ từ các nước có biên giới giáp Việt Nam, mà ngay cả trong nước.

Hôm 26/4, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 tại TP Yên Bái do lây nhiễm trong khu cách ly từ một chuyên gia Ấn Độ (nhập cảnh hôm 18/4).

Theo đó, cơ quan chức năng yêu cầu rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, cả quân sự lẫn dân sự, bảo đảm cách ly an toàn, không để lây nhiễm chéo, đồng thời có phương án mở rộng các khu cách ly sẵn sàng cho trường hợp có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Các khu cách ly tập trung cũng cần bảo đảm được lắp camera giám sát, kết nối trực tuyến cho nhiều cơ quan cùng giám sát.

Đặc biệt, nguy cơ xâm nhập từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia vào khu vực biên giới Tây Nam rất cao. Theo thống kê, số người nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia láng giềng có chiều hướng tăng. Trong đó có 483 trường hợp nhập cảnh trái phép, tăng 160 trường hợp so với tuần trước đó.

Do vậy, biện pháp cấp thiết cần thực hiện là tiếp tục tăng cường kiểm soát các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đặc biệt là đường mòn, lối mở để ngăn chặn kịp thời và xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chủ động kiểm soát, có kế hoạch nhằm phục vụ yêu cầu kiểm soát dịch, đồng thời phát triển kinh tế thông qua cơ chế xét thị thực nhập cảnh (dưới sự thống nhất của tổ công tác 5 bộ: Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải); bảo đảm người nhập cảnh phục vụ mục đích phát triển kinh tế theo đề nghị của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Đối với người Việt ở nước ngoài, trong thời điểm dịch bệnh, chính phủ Việt Nam mong muốn người dân hạn chế di chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của đất nước sở tại. Trong trường hợp cần thiết phải về nước, người dân nên đăng ký nhập cảnh theo đường hợp pháp.

Trước thực tế hầu hết người Việt Nam nhập cảnh qua biên giới đường bộ có hoàn cảnh khó khăn, Ban Chỉ đạo sẽ đề nghị Chính phủ không thu phí xét nghiệm, cách ly những trường hợp này, không để một số người vì lý do phải đóng phí cách ly, xét nghiệm mà vượt biên, nhập cảnh trái phép.

Với những khu vực ở xa, Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức các chuyến bay đưa người dân về nước, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch ở khu vực, nước sở tại và tình hình dịch trong nước. Đối với người Việt Nam ở Ấn Độ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại đây tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ, đang thu xếp để đưa một số người dân có nguyện vọng về trong thời gian sắp tới.

Theo trang thống kê Worldometers.info, trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 822.008 ca mắc mới COVID-19 và 14.646 ca tử vong. Tổng số người mắc COVID-19 trên toàn cầu đến nay đã tăng lên đến hơn 149,31 triệu người; trong đó 126,96 triệu người đã phục hồi; 3,14 triệu người tử vong.

 

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục với hơn 362.902 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước này lên hơn 17,98 triệu người. Trong ngày 27/4, Ấn Độ có thêm 3.285 ca tử vong – đánh dấu mốc số ca tử vong ở quốc gia châu Á này lên 201.165 ca. Các chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở nước này có thể cao gấp 30 lần báo cáo, lên đến hơn nửa tỉ người.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp.

Ngày 27/4, Lào có thêm 75 ca mắc mới COVID-19 - giảm 38 ca so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, số tỉnh/thành của Lào có ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, cho thấy dịch vẫn tiếp tục lan rộng tại nước này.

Số tỉnh/thành có người nhiễm bệnh đã lên tới 15/18 tỉnh/thành. Trong đó có 8 tỉnh của Lào tiếp giáp với 9 tỉnh của Việt Nam là: Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Hiện chỉ còn 2 tỉnh của Lào có chung đường biên giới với các tỉnh của Việt Nam là tỉnh Houaphanh và tỉnh Attapue là chưa có ca mắc COVID-19.

Thái Lan ngày 27/4 ghi nhận thêm 2.179 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 59.687 ca. Thêm 15 ca tử vong, tổng số ca tử vong đang là 163 ca.

Campuchia ngày 27/4 tiếp tục có số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao: 508 ca, thêm 3 ca tử vong. Nước này đang có tổng 11.063 ca mắc COVID-19, 82 ca tử vong. Hiện Campuchia đã đóng cửa toàn bộ các sòng bạc ở các tỉnh biên giới giáp với Thái Lan.

Đức Lâm


Sáng 28/4, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19; Chuẩn bị phương án có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng