Siêu thị và chợ tự phát, những bất cập trước ngày 'thắt chặt giãn cách' tại TP.HCM

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân xếp hàng ở các cửa hàng thực phẩm, siêu thị có nơi xếp hàng dài đến cả trăm mét. Do chờ lâu không vào được siêu thị, lại có nơi xảy ra tình trạng hết một số loại hàng khiến nhiều người phải tìm đến các điểm bán tự phát để kịp mua thực phẩm trước ngày “thắt chặt giãn cách” từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9.

Ngay từ sáng sớm ngày 21/8, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại một số nơi trong TP. HCM đã quá tải cục bộ do lượng khách xếp hàng dài từ bãi xe đến lối vào siêu thị.

Càng về trưa, do lượng người quá đông, một số siêu thị đã phải thông báo tạm đóng cửa để giảm bớt lượng khách. Bên trong các siêu thị, người dân cũng tranh thủ mua gom hàng với số lượng lớn để có thể dự trữ dùng trong nhiều ngày.

Đến hơn 12 giờ, dù trời nắng khá gắt nhưng tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market và các cửa hàng tiện lợi như: Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+, Bách Hóa Xanh... vẫn còn khá nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vào mua hàng.

Với lượng người tiêu dùng tăng mạnh, siêu thị nhiều nơi không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, nên những điểm bán thực phẩm chui, tự phát ở TP. HCM xuất hiện dày đặc, thậm chí trưng bán ngay trên lề, lòng đường, mặc dù thành phố ra chỉ thị ngưng hoạt động các chợ tự phát từ ngày 20/6.

Tại các chợ tự phát, lợi dụng nhu cầu tăng cao, không ít người bán đã tăng mạnh giá bán thực phẩm, và người dân để có cái ăn buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn phải chạy đôn chạy đáo đến các nơi tìm mua.

Theo nhiều người dân ở quận Bình Thạnh, do không thể vào được siêu thị, trong khi thành phố sắp thực hiện giãn cách, người dân chỉ có 2 ngày để chủ động lo cái ăn, nên đành đến chợ bán tự phát.

Giá cả hầu hết các mặt hàng thực phẩm tại chợ tự phát như: trứng, rau củ, đậu hũ... tăng giá chóng mặt so với các ngày trước đó, có mặt hàng tăng giá gấp 3 lần. Trứng gà, vịt tăng gần gấp đôi lên 40.000 - 55.000 đồng/vỉ. Bún tăng giá gấp đôi lên 20.000 - 25.000 đồng/kg. Giá nhiều loại rau củ tăng ít nhất 30 - 40% so với 2 ngày trước đó.

Trong khi đó, gặp khó khăn ở các điểm bán, nhiều người dân xếp hàng ở các cửa hàng tạp hóa chỉ để mua những thực phẩm khô như: dầu ăn, nước mắm, gạo… dự trữ. Nhiều điểm tạp hóa vì thế cũng cạn hàng, tăng giá bán.

Dù chính quyền TP. HCM luôn khẳng định không thiếu hàng, nhưng hai ngày qua, hầu hết các siêu thị đều trong tình trạng quá tải. Nhiều điểm bán thiếu hàng cục bộ do trong thời gian ngắn phải tiếp đông đảo người dân đổ dồn về mua thực phẩm dự trữ.

Đại diện các siêu thị cũng cho biết thêm, nguồn hàng từ các tỉnh, thành có thể cung ứng cho TP. HCM đang rất dồi dào nhưng khâu vận chuyển về thành phố vẫn còn gặp khó khăn do thành phố cùng nhiều địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều đang thiếu lao động trầm trọng do dịch bệnh nên ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, sắp xếp kinh doanh khi lượng khách hàng tăng quá nhanh.

Hiện, tại hệ thống Saigon Co.op, đại diện hệ thống này cho hay, chiều 21/8, lượng khách tại các siêu thị ở khu vực TP. HCM tăng khoảng 20 - 30% tuỳ quận so với trước đó. Tuy nhiên, giá trị hóa đơn ở mức trung bình chứ không xảy ra tình trạng gom hàng đột biến.

Tại hệ thống Vincommerce, sức mua hàng online cũng tăng mạnh trên toàn hệ thống, đặc biệt là tại TP. HCM. Dịch vụ đi chợ hộ tăng 114%, đặt hàng qua App VinID tăng 526%, qua website VinMart tăng hơn 1.200%, qua Lazada tăng gần 680% trong tuần vừa qua.

Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách mua hàng, hầu hết các siêu thị cho biết đều tăng lượng hàng dự trữ, đồng thời tăng cường nhân viên để giám sát hàng hóa. Tại hệ thống siêu thị của Central Retail, nhà cung cấp đã chủ động tăng 50 - 60% lượng hàng trong những ngày qua và trong thời gian tới.

Thành Trung

 


Siêu thị và chợ tự phát, những bất cập trước ngày 'thắt chặt giãn cách' tại TP.HCM