Số căn cước công dân đẹp có thể làm được không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số căn cước công dân đẹp có thể làm được không? Nhiều tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ làm số căn cước công dân đẹp. Thực hư về việc cấp số căn cước công dân đẹp như thế nào?

1. Số căn cước công dân đẹp là gì?

Số đẹp là dãy số tiến; tứ quý; số tam hoa; số điện thoại cá nhân, số gắn với ngày tháng năm sinh; ngày kỷ niệm đặc biệt... Nhiều người mong muốn sở hữu dãy số đẹp như vậy sẽ mang lại may mắn, thăng tiến trong cuộc sống; cũng như trong công việc.

Lợi dụng tâm lý này, nhiều tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ làm căn cước công dân số đẹp với nhiều mức giá cả khác nhau. Có thông tin rao vặt giá làm căn cước công dân số đẹp tới hàng chục triệu đồng. Vậy thông tin về dịch vụ này có đúng hay không?

2. Có cấp số căn cước công dân đẹp không?

Theo cơ quan công an, thông tin về việc làm/cấp số CCCD đẹp là không đúng sự thật.

Theo cơ quan công an, số căn cước công dân được quy định với cấu trúc cụ thể theo quy định tại điều 7 của Thông tư 07/2016/TT-BCA. Dãy số này bao gồm 12 chữ số được quy định như sau:

- 6 số đầu được quy định là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh (3 số đầu tiên của dãy số); mã thế kỷ sinh, mã giới tính của công dân (1 số tiếp theo); mã năm sinh của công dân (2 số kế tiếp);

- 6 số cuối là một cụm số ngẫu nhiên được cấp theo thuật toán.

Khi công an viên thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân tại các điểm làm việc thì dữ liệu của công dân sẽ được truyền về hệ thống cấp căn cước công dân của Bộ Công an Việt Nam.

Do vậy, người dân không thể tuỳ chọn số CCCD đẹp như chọn giống số điện thoại.

Có thể khẳng định rằng không có nơi nào có thể cung cấp dịch vụ giúp người dân làm CCCD số đẹp. Cơ quan công an đã xử lý một số trường hợp đăng thông tin sai sự thật như vậy.

3. Dịch vụ làm số căn cước công dân đẹp bị phạt như thế nào?

Có nhiều tài khoản người dùng mạng xã hội đăng thông tin nhận làm thẻ CCCD số đẹp. Ví dụ như: làm căn cước công dân có 4 số cuối giống nhau (số tứ quý) với giá khoảng 50 triệu đồng; có 3 số cuối giống nhau (số tam hoa); hoặc số tiến (1234; 5678; 6789...) có giá khoảng 40 triệu đồng.

Như đã nói ở trên, các dịch vụ làm số CCCD đẹp này đều là đăng thông tin sai sự thật. Tuỳ theo mục đích, mức độ mà người nhận làm dịch vụ này sẽ phải chịu các hình thức xử phạt như sau:

Xử phạt hành chính

Nhà chức trách sẽ xử phạt hành chính nếu người này không nhằm mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tài sản; mà chỉ là tung tin để câu views (lượt xem), tăng lượt tương tác...

Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về việc tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Mức phạt cho hành vi này là từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng.

Xử lý hình sự

Nếu người đăng dịch vụ làm CCCD số đẹp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thì theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015:

Có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, từ 02 năm đến 07 năm; phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; tuỳ theo mức độ phạm tội.

Hoặc người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000 - 100.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm; có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là giải đáp thắc mắc số căn cước công dân đẹp có làm được không. Cơ quan công an đã khẳng định không có dịch vụ này. Người dân nên lưu ý để tránh bị lừa đảo. Khi làm căn cước công dân, người dân cần đến đúng cơ quan công an có thẩm quyền làm căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Hoàng Thái

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Số căn cước công dân đẹp có thể làm được không?