Sóc Trăng cùng các tỉnh miền Tây kiến nghị Chính phủ tạm ngưng cho người dân về quê

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trưa 3/10, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông cùng lãnh đạo các tỉnh miền Tây đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.

Mấy ngày nay, sau khi TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách, xuất hiện lượng lớn người dân tự đi phương tiện cá nhân để về quê, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.

Trao đổi với báo chí trong nước ngày 3/10, ông Trần Văn Lâu cho biết, trong những ngày qua, người dân từ các tỉnh, thành phố đổ về quê Sóc Trăng quá đông. Riêng đêm 2/10 có khoảng 20.000 người dân tự phát về quê, đông nghẹt một đoạn QL1. Còn tính từ sau nới lỏng giãn cách ngày 1/10 đến nay, có khoảng 30.000 người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành thuộc vùng dịch trở về địa phương.

Sau khi vào địa phận Sóc Trăng, người dân được hướng dẫn về tập trung tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt (phường 6, TP. Sóc Trăng) để phân vùng theo địa phương, sau đó được CSGT và các lực lượng hướng dẫn về các khu cách ly tập trung tại các địa phương.

Trước đó, dự báo người Sóc Trăng ở các tỉnh, thành phố sẽ về quê với số lượng lớn nên tỉnh đã chủ động kích hoạt toàn bộ hệ thống khu cách ly tập trung và đưa vào hoạt động Bệnh viện điều trị COVID-19.

Theo ông Trần Văn Lâu, năng lực tiếp nhận của tỉnh có hạn, nếu người dân tiếp tục về sẽ vỡ trận. Do vậy tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự phát về quê. Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày.

Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, sáng 3/10, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trong đêm 2/10, người dân về quê trên 10.000 người. Đến 8h30 ngày 3/10, số người về tỉnh An Giang đã lên trên 15.000 người. Các huyện đã tổ chức đón về 5.221 người. Hiện còn lại 9.966 người chưa bố trí cho các huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, hiện tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch trong tỉnh còn hạn chế, các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị trong tỉnh hiện nay gần như quá tải. Việc người dân ồ ạt về địa phương đang tạo áp lực rất lớn cho tỉnh trong công tác tổ chức cách ly tập trung, xét nghiệm, thu dung điều trị.

Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong đêm 2/10, có trên 15.000 người dân đổ về quê. Tính từ ngày 1/10 đến nay, Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 20.000 người về quê.

"Hiện tại chúng tôi đã đưa bà con vào các điểm trường học tạm thời. Sau đó người dân ở huyện nào đưa về huyện đó để sàng lọc, phân loại... Nếu tình trạng này tiếp tục, có thể sẽ không đủ lực lượng kiểm soát và phòng chống dịch", ông Nghĩa cho hay.

Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau trong 2 ngày qua, có 1.281 người dân tự phát về đến Cà Mau, dự kiến con số này sẽ liên tục tăng trong những ngày tới.

“Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị của tỉnh rất khó khăn, hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu cách ly tập trung đối với người ngoài tỉnh tự phát trở về và khả năng điều trị nếu có ca nhiễm... Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất cao”, văn bản kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau nêu.


Sóc Trăng cùng các tỉnh miền Tây kiến nghị Chính phủ tạm ngưng cho người dân về quê