'Sống chung an toàn': Việt Nam sẽ gỡ bỏ cách ly xã hội sau 22/4?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể sẽ gỡ bỏ cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc sau ngày 22/4.

Theo kết luận của Chính phủ hôm 16/4, có 28 tỉnh thành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, trong đó nội dung chính là thực hiện cách ly xã hội ít nhất đến ngày 22/4. Đây là các địa phương thuộc nhóm "nguy cơ cao" và "có nguy cơ".

Đến nay, chỉ còn hơn 2 ngày nữa là hết hạn 22/4, câu hỏi là 28 tỉnh thành trên sẽ tiếp tục cách ly xã hội hay quay về nhịp sống bình thường?

Một số dấu hiệu cho thấy Chính phủ có thể sẽ gỡ bỏ cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc.

4 ngày liên tiếp không có bệnh nhân mới

Tính đến sáng 20/4, Việt Nam không ghi nhận thêm bệnh nhân mới dịch Covid-19 trong 4 ngày liên tiếp. Trong khi đó số ca bình phục/xuất viện tăng hàng ngày. Hiện nay đã có 202 ca bình phục, chỉ còn lại 66 bệnh nhân đang điều trị.

Sau 4 ngày không nghi nhận ca nhiễm mới, các chuyên gia y tế đánh giá tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã khả quan.

Chủ trương "sống chung an toàn" với Covid-19

Sáng 20/4, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương bổ sung quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” với dịch bệnh, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Các nội dung chính như sau:

  • Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ có quy định, hướng dẫn khung về đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất cũng như hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do.
  • Các tỉnh, thành sẽ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch đối với siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (ví dụ sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, người bán hàng rong... trên địa bàn.
  • Bộ Y tế sẽ hướng dẫn về bảo đảm an toàn ở các công sở, văn phòng.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bổ sung các biện pháp như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp.

Như vậy, sau thời hạn 22/4, nhiều khả năng Việt Nam sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội hoặc gỡ bỏ hoàn toàn trên phạm vi toàn quốc.

Xét nghiệm nhanh cho những người bán hàng và lao động tại chợ Long Biên, Hà Nội, ngày 18/4/2020. (Ảnh: Linh Pham/Getty Images)

Ý kiến của bạn đọc

Một số bạn đọc gần đây đã chia sẻ những suy nghĩ về thời gian cách ly xã hội:

  • "Tôi ủng hộ cho hoạt động trở lại và đồng ý đưa ra các biện pháp phòng chống, tách ra và nêu rõ từng nghành, lĩnh vực cần làm gì để An Toàn. Chúng ta không thể cứ giãn cách mãi được." (nguyenquockhanh071975)
  • "Dự là cái khẩu trang, chai nước rửa tay diệt khuẩn cũng sẽ như cái mũ bảo hiểm khi ra đường". (Nguyễn Nam)
  • "Cũng không thể bắt buộc cuộc sống và mọi sinh hoạt của người dân bị thu hẹp lại về mọi mặt theo thời gian dài được. Phương án sống chung an toàn cùng covid này là một cách phòng bệnh an toàn..nhưng cũng lo là không phải ai cũng như chúng ta điều có ý thức tốt để cùng sống an toàn cả...Tuy nhiên rất cần sự quan lâm kiểm soát chặt chẻ của các cơ quan quản lý từng khu vực lớn nhỏ...để người dân sống có trách nhiệm một cách an toàn cho mình và xã hội." (Tiến Ngô)
  • "Nếu đi học mà bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp, mà ngồi hàng giờ đồng hồ vừa nghe giảng vừa đeo khẩu trang có quá mệt mỏi và ngột quá không? nếu phòng máy lạnh thì thấy không thành vấn đề, trẻ nhỏ thì sao? có chịu nổi không?" (Vinh Dinh)
  • "Cần thực hiện triệt để đeo khẩu trang đúng cách mọi lúc mọi nơi kể cả trong lớp học và nơi làm việc. Về việc ăn uống cũng rất quan trọng tại những nơi cung cấp bán hàng ăn hoặc nhà hàng căng tin cần lắp các vách ngăn bằng mica giữa những người ngồi ăn. Thường xuyên vệ sinh tay và các bề mặt bằng dung dịch diệt khuẩn cũng là rất quan trọng." (Thomas Vu Thang)
  • "Chia nhỏ lớp? Lấy đâu ra giáo viên và sức lực của giáo viên để giảng nhiều tiết vậy?" (Linda)
  • "Tôi hai tháng nay chưa được ăn miếng thịt heo️" (Hưng)

(Tổng hợp từ Vnexpress)

Thực hiện Chỉ thị 16 (Cách ly xã hội đến ngày 22/4)

"Nguy cơ cao" gồm 12 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh.

“Có nguy cơ” gồm 16 tỉnh thành: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang.

Việt Nam


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

'Sống chung an toàn': Việt Nam sẽ gỡ bỏ cách ly xã hội sau 22/4?