Thành phố đầu tiên nói không với thịt chó, mèo ở Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với bản thỏa thuận vừa được ký kết với tổ chức Four Paws về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo, một thành phố đầu tiên của Việt Nam có hành động chấm dứt nạn buôn bán, tiêu thụ thị chó mèo.

Ngày 10/12/2021, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức lễ ký kết trực tuyến với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo.

Việc ký thỏa thuận nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn bệnh dịch bùng phát.

Hội An cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam có thỏa thuận nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm nay và kéo dài trong 2 năm.

Theo các cuộc khảo sát do FOUR PAWS thực hiện, chỉ có khoảng 6,3% người Việt Nam tiêu thụ thịt chó trong khi có đến 88% công chúng ủng hộ Chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo

Theo bà Julie Sanders, Giám đốc phụ trách Vật nuôi của FOUR PAWS, mỗi năm Việt Nam có hơn năm triệu cá thể chó và một triệu cá thể mèo bị buôn bán và giết để lấy thịt, gây nguy hại đến quyền lợi động vật và sức khỏe cộng đồng. “Thành phố Hội An là thành phố tiên phong thực hiện để các địa phương khác trên cả nước nối tiếp” - bà Julie Sanders chia sẻ.

Thành phố Hội An nói gì?

Chính quyền TP. Hội An cho rằng, không thể xóa sổ bệnh dại nếu không giải quyết triệt để nạn buôn bán thịt chó, mèo. Các nội dung khác trong thỏa thuận hợp tác này bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tại địa phương và giải cứu chó, mèo khỏi các vụ buôn bán.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An nhận định, Hội An là thành phố di sản có bề dày lịch sử, văn hóa và là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa trong và ngoài nước. Hội An được biết đến với truyền thống “nhân tình thuần hậu”, nếp sống giản dị. Vì vậy dự án xây dựng Hội An thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại do tổ chức Four Paws hỗ trợ thực hiện là hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch của Hội An.

“Là một thành phố du lịch nổi tiếng, Hội An mong muốn thúc đẩy quyền lợi động vật thông qua việc xóa sổ bệnh dại, loại bỏ dần nạn buôn bán thịt chó, mèo và đưa thành phố trở thành điểm đến du lịch hàng đầu”, ông Hùng nói.

Tình hình tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam

Theo BBC Tiếng Việt dẫn nguồn Human Society International cho biết, Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất tại Châu Á chỉ sau Trung Quốc.

Theo các chuyên gia bảo vệ động vật, thị trường tiêu thụ thịt chó được cho là "có giảm so với nhiều năm về trước" tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên lại có chiều hướng tăng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như Nghệ An, Thanh Hóa, Huế, Hà Tĩnh…

Theo John Dalley, Chủ tịch và người đồng sáng lập Soi Dog, Hà Nội có khoảng 24 lò giết mổ chó, trung bình 1.079 con chó bị giết mỗi ngày. Con số này không bao gồm các cơ sở bán thịt chó và giết chó tại chỗ để lấy thịt tiêu thụ.

Trên toàn Châu Á, theo ước tính từ Human Society International, 30 triệu con chó bị giết lấy thịt mỗi năm. Theo đó, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10 triệu con, Việt Nam 5 triệu con, Hàn Quốc 2 triệu con...

Theo Soi Dog, nguồn thịt chó ở Việt Nam được nhập lậu từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Báo cáo vào tháng 2/2021 của Four Paws nêu rằng nạn buôn bán thịt chó và mèo là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng đang bị xem nhẹ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt chó trực tiếp gây ra sự bùng phát bệnh sán chó, dịch tả và bệnh dại ở người.

Chó được vận chuyển liên tỉnh tại Việt Nam trong khi không có giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại.

Luật bảo vệ chó, mèo ở Việt Nam

Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) đã quy định về việc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi - điều chưa từng có trong pháp luật trước đây ở Việt Nam.

Vật nuôi theo quy định hiện hành gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi như: trâu, bò, chó, mèo, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng,...

Theo đó, Điều 69 Luật này chỉ rõ, trong chăn nuôi, chủ vật nuôi không được bỏ đói, phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh cũng như không được đánh đập, hành hạ; phải đảm bảo nơi ở với không gian phù hợp và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, trị bệnh…

Đặc biệt, trong hoạt động giết mổ, cơ sở giết mổ phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ và có biện pháp gây ngất trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Tương tự như vậy, trong quá trình vận chuyển, dù vận chuyển cho mục đích nào thì vật nuôi cũng phải được đảm bảo không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi; được cung cấp đủ thức ăn, nước uống và vận chuyển với phương tiện, trang thiết bị phù hợp…

Việt Nam Xã hội

Thành phố đầu tiên nói không với thịt chó, mèo ở Việt Nam