Thế nào là 'cách ly xã hội' ở Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

7 lưu ý thực hiện cách ly xã hội: không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội.

Sáng 31/3, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu thực hiện "cách ly xã hội trên toàn quốc" để chống dịch Covid-19 bằng chỉ thị số 16. Tuy nhiên sau đó xảy ra tình trạng các tỉnh thành có những cách thực hiện khác nhau.

Từ ngày 1/4, có một số địa phương đã tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng.

Đến ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng giải thích: "Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội."

Dưới đây là 7 lưu ý thực hiện "cách ly xã hội" như sau:

  1. Không đóng cửa, dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
  2. Các nhà máy vẫn sản xuất, nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động.
  3. Cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng CNTT làm việc ở nhà.
  4. Xe cá nhân được đi lại giữa tỉnh lân cận nhưng phải thật cần thiết.
  5. Người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, đi làm việc,...
  6. Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
  7. Không tụ tập tại các nơi công cộng.
Cầu Long Biên vắng tanh trong ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, ngày 1/4/2020. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)
Cầu Long Biên vắng tanh trong ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, ngày 1/4/2020. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)

Cách ly xã hội: mỗi tỉnh một khác

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm TPHCM cho biết: "Ở Hải Phòng, mọi hoạt động đi lại vẫn diễn ra bình thường. Nhưng địa phương sát bên cạnh là Quảng Ninh, cấm tuyệt đối: "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người dân đổ đất, chặn bê tông, lập hàng rào sắt ở một số tuyến đường để ngăn người qua lại, ra vào. Ngay ở Thủ đô, chiều 31/3, thanh tra giao thông Hà Nội đã định đặt 26 chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố để cấm người và phương tiện ra vào thành phố, trừ trường hợp đặc biệt; chiều tối cùng ngày, phương án này đã bị thu hồi,"' theo hãng tin BBC.

Ở Bình Định, sau chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều người dân đã ra chợ mua lương thực dự trữ. Đặc biệt, nhiều người đã mua và tích trữ xăng dầu. Một số tỉnh thành có tình trạng người dân đổ đi mua tích trữ thực phẩm, khiến giá cả tăng cao.

Thậm chí, ngày 1/4, Quảng Ninh đã huy động hơn 2.000 người, lập gần 100 chốt kiểm soát, theo báo Thanh Niên. Tại một số tuyến đường nối xã Bằng Cả (TP.Hạ Long) với P.Vàng Danh (TP.Uông Bí), nối xã Kỳ Thượng (TP.Hạ Long) với xã Đạp Thanh (H.Ba Chẽ) đã được chính quyền đổ đất thành lũy, ngăn các phương tiện lưu thông.

Trong ngày 2/4, một số tỉnh thành đã thực hiện việc nới lỏng nhiều biện pháp được coi là "cực đoan" đã triển khai trước đó. Các địa phương tại Quảng Ninh đã khai thông trở lại một số tuyến đường, theo Zing News.

Việt Nam

Thế nào là 'cách ly xã hội' ở Việt Nam?