Thiếu thuốc vì cơ chế đấu thầu, ngành y tế bị 'bóp nghẹt'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm, thiết bị y tế ở nhiều bệnh viện công đẩy bệnh nhân vào tình trạng rất khó khăn khi phải chuyển viện, liên tục bỏ tiền túi mua thuốc thay vì được bảo hiểm thanh toán như trước đây.

Theo báo VOV Giao thông đưa tin, PGS. TS. BS Cao Hữu Nghĩa – Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng – Viện Pasteur TP. HCM cho biết, gần một tháng qua, Viện đã không còn mở cửa để tiêm cho người dân vào ngày thứ Bảy vì đã hết sinh phẩm và vaccine.

Hiện, tại Viện, các loại vaccine như: viêm não Nhật Bản B, viêm não mô cầu, viêm phổi phế cầu, cảm cúm ho gà, bạch hầu, uốn ván, thuỷ đậu, sởi, quai bị, rubella… đã hết tất cả. Đối với các sinh phẩm xét nghiệm HIV; xét nghiệm tiểu đường, mỡ máu, thận, gan; viêm gan B, C… cũng trong tình trạng tương tự.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bác sĩ Nghĩa cho biết, thực tế, Viện Pasteur đang vướng cơ chế ở khâu đấu thầu thiết bị, vật tư y tế giống như các cơ sở y tế công lập khác. Ngoài ra, ở thời điểm sau đại dịch COVID-19, việc nhập khẩu hoặc mua các loại vaccine dịch vụ không còn dễ dàng vì một số quốc gia đang hạn chế xuất khẩu thuốc và các loại vật tư, sinh phẩm y tế.

Từ thực trạng trên, Viện Pasteur TP. HCM mong muốn sớm có hướng giải quyết linh hoạt để những cơ sở tiêm chủng dễ dàng trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các loại vaccine và sinh phẩm y tế; bởi việc hết tất cả các loại vaccine như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêm chủng của người dân.

Ngành y tế bị 'bóp nghẹt' bởi cơ chế đấu thầu

Không chỉ Viện Pasteur TP. HCM, thời gian qua, báo chí đã phản ánh liên tục về tình trạng thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao để phục vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện trong cả nước. Tình trạng này đẩy bệnh nhân vào hoàn cảnh rất khó khăn khi phải chuyển viện, liên tục bỏ tiền túi mua thuốc thay vì được bảo hiểm thanh toán như trước đây.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 13/6 liên quan đến ngành y tế, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho hay, thực trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm.

“Thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, ông Long nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, trong 40 năm làm nghề y, ông chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng bởi các nhà thầu rất dè dặt cung cấp vì các công ty tư vấn thẩm định bị tan vỡ hoặc tạm nghỉ.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, “ngay cả việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như: Sở Y tế, Bộ Y tế cũng đang bị đình đốn vì họ còn bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn. Như họ đang phải giải trình phục vụ cho việc thanh tra, điều tra nên hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, cho chính người dân”.

Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ, nhiều người bệnh bị tước quyền lợi khi khám chữa bệnh vì không được hưởng các loại thuốc, vật tư y tế mà bảo hiểm y tế chi trả. Có người bệnh sát giờ mổ còn phải đi mua từng cây kim truyền dịch với giá mỗi cây kim là 3.000 đồng.

Báo Lao Động dẫn ý kiến của bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, từ giữa năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các bệnh viện đều vướng phải tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế.

Rất nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hoá chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư.

Theo bác sĩ Phúc, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh, thành chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà còn gây rối loạn cả hệ thống y tế.

Đại biểu Quốc hội – TS. BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.

Nguyên nhân thứ nhất là do sau dịch, ngành y tế phải lo nhiều vấn đề gọi là hậu COVID-19 mà ngoài người bệnh, có nhiều vấn đề quan trọng cần phải giải quyết. Việc này cũng góp phần khiến tốc độ đấu thầu bị chậm.

Thứ hai, bác sĩ Thức cho rằng phải có một cách nhìn về giá trong đấu thầu: là giá rẻ nhất hay là giá phù hợp nhất. Bác sĩ Thức mong muốn sẽ có một quy định riêng về đấu thầu trong ngành y tế vì đây là mặt hàng phục vụ sức khoẻ người bệnh, không thể đánh đồng với tất cả những hàng hoá khác trong xã hội vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người.

Bác sĩ Thức cho rằng, hiện, pháp luật có đầy đủ các quy định về mua sắm y tế và quy định rất chặt chẽ nhưng khi áp dụng vào thực tế, có những lúc đối với những hoàn cảnh mà đặc biệt gấp gáp trong ngành y thì vẫn chưa phù hợp.

Theo ông Trịnh Xuân An – Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, đấu thầu đang “vướng” ở cơ sở y tế công. Vì vậy, để giải quyết thì quy trình đấu thầu phải minh bạch khách quan; đấu thầu trong y tế có đặc thù riêng nên giá trong đấu thầu y tế phải khác so với các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, ông An cho rằng, việc xây dựng chính sách là quan trọng, đặc biệt là hệ thống chính sách y tế, Luật khám chữa bệnh với các vấn đề về: giá dịch vụ y tế, xã hội hoá, chuẩn hoá y bác sĩ ở các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không làm sớm, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ.

Minh Nguyệt (tổng hợp)

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Thiếu thuốc vì cơ chế đấu thầu, ngành y tế bị 'bóp nghẹt'