Công trình khẩu hiệu 11 chữ giá 10 tỷ: tỉnh Hòa Bình muốn xã hội hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khẩu hiệu 11 chữ là gì? Công ty nào đã trúng thầu? Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình muốn vận động xã hội hóa một phần công trình.

Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin UBND tỉnh Hòa Bình quyết định giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư xây lắp một câu khẩu hiệu tại khu vực đồi Ông Tượng với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Dưới đây là một số thông tin cập nhật về công trình này và phản hồi của các bên liên quan.

Tỉnh Hòa Bình vận động xã hội hóa

Ngày 28/9, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình triển khai thực hiện dự án lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng, theo báo Hòa Bình.

Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất kết luận, "công trình có ý nghĩa thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục, đồng thời nhằm tạo cảnh quan đẹp khu vực đồi Ông Tượng, góp phần tạo điểm nhấn cho thành phố".

Thường vụ Tỉnh ủy Hòa bình cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất bổ sung các giải pháp, phương án thực hiện dự án tối ưu nhất. Đồng thời, tỉnh vận động xã hội hóa một phần nguồn vốn thực hiện dự án, "để cho các tổ chức, cá nhân góp công, góp sức tham gia xây dựng công trình rất có ý nghĩa này".

Danh tính về công ty trúng gói thầu khẩu hiệu

CTCP Đầu tư và Phát triển Anh Kỳ là bên thực hiện các gói thầu thi công xây lắp công trình dự án. Công ty Anh Kỳ thành lập vào ngày 25/10/2000. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là bán buôn, bán lẻ ô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc là ông Đàm Anh Kỳ (sinh năm 1974), theo báo Nhà đầu tư.

Ông Đàm Anh Kỳ còn đang là Phó Chủ tịch Ban Thương vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình Khóa II (nhiệm kỳ 2015 – 2020).

Công ty Anh Kỳ ở tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Facebook)
Công ty Anh Kỳ ở tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Facebook)

Công ty Anh Kỳ là nhà thầu "quen mặt" tại tỉnh Hoà Bình. Từ năm 2016 đến nay, công ty này tham gia 11 gói thầu, trúng tới 10 gói. Chỉ tính riêng tại Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, công ty Anh Kỳ đã trúng 3 gói thầu lớn với tổng giá trị hơn 36 tỉ đồng.

Điều đáng nói, lĩnh vực chính của doanh nghiệp này lại là bán buôn, bán lẻ ôtô, xe máy và xe có động cơ khác, là lĩnh vực không liên quan tới gói thầu mà doanh nghiệp này vừa trúng.

Công trình mang ý nghĩa nhân văn?

Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Hòa Bình, công trình lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ hết hơn 10 tỉ đồng là công trình mang ý nghĩa nhân văn, việc xây dựng là cần thiết, trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định đúng quy định.

Chiều ngày 27/9, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cho biết việc xây dựng khẩu hiệu "mang ý nghĩa giáo dục chính trị đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn, vừa tạo cảnh quan", theo báo Người lao động.

"Công trình đảm bảo đúng đơn giá, quy trình của nhà nước, trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyện môn thẩm định đúng quy định", Giám đốc Sở này khẳng định.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng công trình khẩu hiệu là "rất cần thiết và hợp lý".

Khẩu hiệu này có 11 chữ, được Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư có giá trị trên 10 tỉ đồng. Hiện mới hoàn thành 3 chữ. (Ảnh: nld.com.vn)

Khẩu hiệu 11 chữ ở Hòa Bình là gì?

Một số nguồn tin từ mạng xã hội cho biết khẩu hiệu ở Hòa Bình có kinh phí gần 1 tỷ mỗi chữ là: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

Tuy nhiên hiện nay công trình mới thi công được một chữ "Đoi", nên một số cư dân mạng liên tưởng chữ này là "Đói", tương ứng với tình trạng tỉnh Hòa Bình còn nhiều hộ dân nghèo, thiếu ăn.

Nhiều ý kiến cho rằng Hòa Bình là tỉnh còn khó khăn, một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn điện, đường, trường, trạm... nên giá như số tiền đó dành cho việc làm đường, trường, trạm thì tốt hơn.

Một số cư dân mạng khác lại cho ý kiến rằng nên đổi khẩu hiệu trên thành "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam" cho "thiết thực" và "hợp với thời cuộc".

Báo Dân trí có bài bình luận "Một kỷ lục về khẩu hiệu", trong đó viết: "Không hiểu sao đất nước chúng ta nhỏ bé thế mà đi đến đâu cũng rất dễ gặp những công trình không hoành tráng thì cũng “nhất” về mặt này, mặt nọ…! Nói không chừng, “cân, đo, đong, đếm”, mỗi một chữ ở trên đồi Ông Tượng lại lập kỷ lục về “những ký tự có giá” nhất thế giới ấy chứ!"

Sở LĐ-TB&XH Hoà Bình cho biết, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 11,36%, với 21.000 hộ nghèo, số hộ cận nghèo hơn 20%.Tổng cộng, tỉnh còn gần 60.000 hộ nghèo và cận nghèo, cao hơn mặt bằng chung của vùng miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

Hòa Bình cũng là tỉnh phải sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen (chương trình 135). Thực hiện chương trình này, năm 2020, vốn đầu tư ngân sách trung ương giao cho tỉnh là hơn 118 tỷ đồng.

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Công trình khẩu hiệu 11 chữ giá 10 tỷ: tỉnh Hòa Bình muốn xã hội hóa