Thủ tướng Việt Nam nói ‘Không thể phong tỏa mãi’, Bộ Y tế công bố thông điệp mới 5T

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông điệp 5T phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn mới được Bộ Y tế Việt Nam công bố gồm: Tuân thủ 5K - Test COVID-19 - Tiêm chủng - Thực phẩm đủ - Thầy, thuốc đến tận nhà.

Ngày 1/9, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố thông điệp mới 5T trong phòng chống dịch COVID-19. Theo Bộ Y tế, đây sẽ là biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.

Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam, chủ yếu do tác động của biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh.

Thông điệp 5T bao gồm:

Tuân thủ nghiêm 5K

Thông điệp 5K được Bộ Y tế phát động từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát mạnh vào tháng 8/2020 gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để giữ an toàn cho mỗi người trước đại dịch.

Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm giãn cách, “ai ở đâu ở đó”; Cách ly người với người, nhà với nhà, xã với xã; thực hiện nghiêm 5K khi phải ra khỏi nhà.

Thực phẩm đủ tại nhà

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Bộ Y tế ra thông điệp cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để người dân an tâm ở nhà. Đảm bảo an sinh xã hội tại nhà, đặc biệt là quan tâm tới gia đình có người nhiễm SARS-CoV-2, người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm dễ bị tổn thương...

Thầy, thuốc đến tận gia

Ngành y tế tổ chức trạm y tế lưu động tại các xã/phường để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế.

Tổ chức quản lý, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các địa phương áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà. Người bệnh được cung cấp túi thuốc, sơ cấp cứu ban đầu và phát thuốc điều trị.

Test COVID-19 tất cả

Thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ rất cao hoặc nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) để sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm, hạn chế lây lan ra cộng đồng và tổ chức chăm sóc người nhiễm phù hợp.

Trong giai đoạn hiện nay, để tránh tập trung đông đúc, người dân được hướng dẫn tự xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc đội ngũ tình nguyện.

Tiêm chủng ngay phường/xã

Với thông điệp tiêm chủng vaccine nhanh chóng, Bộ Y tế đề nghị tổ chức ngay ở xã, phường, tại trạm y tế hoặc điểm tiêm lưu động, bố trí nhiều điểm tiêm để người dân trong các nhóm tiêm chủng được tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm nhất, gần nhà nhất có thể.

Thủ tướng: 'Không thể dùng biện pháp phong tỏa mãi'

Trong buổi làm việc chiều 1/9 với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.

Thủ tướng nói, các biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách tại một số địa phương đang gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân. Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc.

Nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh. “Cần chuyển đổi chiến lược thích ứng với tình hình. Chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.

Đây là lần thứ hai người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm phải sống chung lâu dài với dịch bệnh. Ngày 29/8, tại cuộc họp với đại diện hơn 1.000 xã, phường thuộc 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định nhận thức về tính chất khốc liệt, khó lường, khó dự báo của đại dịch.

"Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp", Thủ tướng nói.

Theo số liệu Bộ Y tế Việt Nam, đến nay Việt Nam có 473.530 ca mắc COVID-19, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.817 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca.

Trên thế giới, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 647.367 trường hợp mắc COVID-19 và 10.019 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đến sáng 2/9 vượt 219 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,5 triệu người không qua khỏi.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 195 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và 105.454 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1/9, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 40.314.132 ca mắc và 659.786 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 438.411 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 20.804.215 ca, trong đó có 579.330 ca tử vong.


Thủ tướng Việt Nam nói ‘Không thể phong tỏa mãi’, Bộ Y tế công bố thông điệp mới 5T