Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các địa phương ứng phó khẩn cấp bão NORU

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dự báo khoảng tối và đêm nay (25/9), bão NORU sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4.

Chiều 25/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương ứng phó với cơn bão số 4.

Cơn bão có tên quốc tế là NORU đang tiến vào Biển Đông và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2022. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh.

Dự báo từ ngày 26/9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển Giữa và Bắc Biển Đông.

Chiều tối 27/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hạn chế ảnh hưởng của bão và mưa lũ, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan và chủ tịch các tỉnh, thành phố tập trung ứng phó với bão số 4.

Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tập trung theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho nhà chức trách và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

Chủ tịch các các tỉnh, thành phố được yêu cầu hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung ứng phó với bão, lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ.

Nhanh chóng rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); rà soát sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương phối hợp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản; hệ thống điện; bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…

Bộ Giao thông Vận tải bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông; đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ...

Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho người dân và tàu thuyền của Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu của địa phương...

Bão NORU được nhận định là 'siêu bão'

Chiều 25/9, thông tin về tình hình bão NORU tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đánh giá bão NORU là một cơn bão rất mạnh.

Bão NORU còn được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ; tương đương với cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana năm 2009 và bão Molave năm 2020.

Ông Thái cho hay, hiện, các trung tâm dự báo của Mỹ, Trung Quốc đều đánh giá bão NORU ở cấp "siêu bão" (cấp 16 trở lên). Đây là cơn bão hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một "siêu bão" nguy hiểm với tâm bão sắc nét, khí áp giảm rất thấp và di chuyển rất nhanh.

Đặc biệt, nhiệt độ bề mặt nước biển dọc đường đi của bão cao, các điều kiện khí quyển đều thuận lợi cho quá trình mạnh lên của bão.

Ngoài ra, theo ông Thái, vùng biển Giữa Biển Đông thoáng và không có dấu hiệu của không khí lạnh hay các hệ thống thời tiết khác ảnh hưởng đến cường độ của bão.

Theo dự báo, bão NORU sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, dọc quanh vĩ độ 14 - 16 độ Vĩ Bắc với tốc độ từ 20 - 30 km/h.

Khoảng đêm 25/9, bão NORU sẽ vào Biển Đông. Khoảng từ chiều và đêm 27/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Bão NORU giật trên cấp 17, di chuyển nhanh vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào lúc 16h ngày 25/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (150 - 183 km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào Biển Đông.

Đến 16h ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 - 149 km/h), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và có xu hướng mạnh lên.

Đến 16h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14 (134 - 166 km/h), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.

Đến 16h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/h), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6 - 8 m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8 - 10 m; biển động dữ dội.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20 - 25 km/h, cường độ suy yếu dần.

Trà My

Xem thêm:


Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các địa phương ứng phó khẩn cấp bão NORU