Thuốc lá điện tử trong học đường gia tăng, nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) năm 2020 cho biết, có 8,35% học sinh lớp 8-12 hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005, là nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác.

Thông tin trên được bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam đưa ra tại hội thảo về tác hại của thuốc lá mới đây.

Năm 2019, Điều tra Quốc gia sức khỏe học đường, cũng do Bộ Y tế thực hiện, ghi nhận 2,6% học sinh lứa tuổi 13-17 đã sử dụng thuốc lá điện tử, nguy cơ gặp ma túy "ngụy trang" trong thuốc lá điện tử, thuốc lá kiểu mới do đó cũng lớn hơn.

Cũng từ cuối 2019 đến nay, tại Việt Nam đã bắt đầu rải rác ghi nhận tình trạng ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử. Điều này càng đáng lo ngại khi tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên lại gia tăng.

Mới đây, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã điều trị cho một số bệnh nhân đang là học sinh đến từ tỉnh Yên Bái.

Gia đình các học sinh này cho biết, các em đã dùng thuốc lá điện tử. Ban đầu các em được cho và sau thì phải mua một loại "thuốc lá" rất mới, được khuyên là có thể dùng. Các học sinh đã dùng và sau đó xuất hiện biểu hiện "phê" như tinh thần bất thường, tay liên tục "múa" đến mệt lả rồi ngủ thiếp đi.

Kiểm tra loại thuốc lá này, ngành chức năng phát hiện có chứa ma túy. Điều đáng chú ý đây là loại ma túy rất mới, khó nhận biệt và phải qua nhiều xét nghiệm, kiểm tra mới phát hiện được.

Một nhóm học sinh cấp 3 tụ tập hút thuốc lá điên tử trên đường Lê Quý Đôn, Q3, TP. HCM chiều 27/5/2020. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tờ Tuổi Trẻ cho hay, ngay trong tháng 3/2021, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận một nam thanh niên 23 tuổi có biểu hiện hoang tưởng, kích động dữ dội sau khi dùng thuốc lá điện tử.

Xét nghiệm tinh chất có trong loại thuốc lá điện tử mà thanh niên này sử dụng cho thấy có chứa cần sa.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, thuốc lá điện tử nhắm đến giới trẻ bằng thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ... quảng cáo thu hút.

Đến nay, thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chưa được cho phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nên cấp phép nhập khẩu và lưu hành thuốc lá điện tử bởi đây là nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác, gây nhiều tốn kém về sức khỏe, tiền bạc.

Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết: "Những sản phẩm thuốc lá này chứa rất nhiều độc chất, ví dụ như nicotine rất có hại cho sự phát triển não bộ của người vị thành niên, focmaldehit hay axetaldehit được xác định là gây ung thư. Ngoài ra thuốc lá điện tử cũng đã được chứng minh gây ra hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng về tim mạch, hô hấp. Bệnh điển hình do thuốc lá điện tử phải kể đến là tổn thương phổi cấp tính".

Theo Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, thuốc lá điện tử đang dẫn đường cho ma túy tổng hợp xâm nhập vào giới trẻ. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhận được đề nghị giám định nhiều mẫu dung dịch thuốc lá điện tử do phụ huynh hoặc nhà trường mang đến.

Kết quả giám định cho thấy, trong những dung dịch này đều chứa chất hướng thần, gây ảo giác kích thích thần kinh rất mạnh.

Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Viện Khoa học hình sự cho biết: "Trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện ra chất hướng thần được các đối tượng cho vào trong dung dịch của thuốc lá điện tử, giữ nguyên màu sắc, mùi vị, tem nhãn mác của dung dịch thuốc lá điện tử, để sử trái phép các chất hướng thần này".

Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, bà Đoàn Thu Huyền nhấn mạnh, thời gian qua đã có nhiều thông tin sai lệch về các sản phẩm thuốc lá điện tử mới. Thậm chí, tại Trung Quốc lan truyền thông tin sử dụng nicotine giúp chống lại Covid-19 và còn quảng cáo hút thuốc lá điện tử giúp phòng chống một số bệnh hô hấp. "Đây là những thông tin sai lệch", bà Huyền nói trên VnExpress.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến giữa tháng 2, Mỹ ghi nhận hơn 2.800 trường hợp bị hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử. 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 bang. 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi.

Thuốc lá điện tử là gì?

Thiết bị thuốc lá điện tử bao gồm bộ phận pin, sạc; bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào.

Thuốc lá điện tử có hai loại: (1) Loại ống chứa dung dịch nắp mở để người sử dụng có thể tự pha trộn, đổ, thêm dung dịch vào ống); (2) Loại ống chứa dung dịch đóng trong một ống kín có kích thước vừa vặn để lắp vào thiết bị điện tử, ống này chỉ sử dụng một lần).

Chất lỏng trong thuốc lá điện tử khi được bay hơi bị nhiễm với kim loại nặng từ cuộn dây trong thiết bị điện tử sẽ tạo ra các hợp chất hóa học gây nguy hại cho cơ thể.

Loại pin lithium-ion trong thuốc lá điện tử này nếu bị hỏng sẽ làm cho thiết bị thuốc lá trở nên quá nóng, dễ bắt lửa hoặc thậm chí phát nổ.

Theo HelloBACSI, trong 1 điếu thuốc, hàm lượng nicotine trung bình từ khoảng 1–2mg, là một chất có khả năng gây nghiện tương tự như heroin hay cocaine. Khi dùng một lượng nhỏ, nicotine tạo cảm giác dễ chịu làm cho người hút thuốc muốn hút nhiều hơn.

Chất này kích thích não và hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng đến tâm trạng của người hút thuốc. Nicotine có trong thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và thậm chí là mắc bệnh về tim mạch.

Nicotine có thể khiến người trẻ tuổi gặp nguy cơ rối loạn tâm trạng, như cảm thấy buồn và không còn hứng thú với những sở thích trước đây, cảm giác vô dụng và tội lỗi, thiếu năng lượng, không thể tập trung và ghi nhớ mọi việc, cảm giác mất hy vọng, đau đầu, gặp khó khăn khi ngủ, thức giấc rất sớm hoặc ngủ quá nhiều, đau khớp, thường suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.

Đặc biệt, hóa chất hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử gây ra một bệnh phổi nghiêm trọng làm chặn đường thông khí, gây tắc nghẽn đường thở, ngăn chặn oxy lưu thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe các và các cơ quan quan trọng khác.

Việt Nam Xã hội

Thuốc lá điện tử trong học đường gia tăng, nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác