Thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế: Cấp cứu 5 công nhân thủy điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế có tổng số người chết, mất tích hiện tại là 30 người gồm: 17 công nhân (3 chết, 14 người mất tích) và 13 người đoàn cứu hộ (mất tích).

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 thông tin, tổng số người chết, mất tích hiện tại là 30 người gồm 17 công nhân (3 người chết, 14 người mất tích) và 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ (mất tích).

Hiện xác định có 40 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã di chuyển bằng đường rừng qua Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 trú ẩn an toàn. Lượng lương thực ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 chỉ còn đủ dùng cho 1 ngày.

Cấp cứu 5 công nhân thủy điện ở Thủy Điện Rào Trăng 3

Chiều tối 13/10, lực lượng cứu hộ tiếp cận được thuỷ điện Rào Trăng 4, tiếp ứng lương thực cho các công nhân tại đây và đưa 5 người lên cano, chở đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Điền (Bình Tiến, thị xã Hương Trà).

Sau thời gian vượt nước sâu, lực lượng công an tiếp cận được Rào Trăng 4, cung cấp nhu yếu phẩm cho các công nhân và kịp thời đưa 5 người bị thương nặng về cấp cứu tại Bệnh viện Bình điền vào tối nay.

5 người này là những người nằm trong nhóm công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 đã di chuyển bằng đường rừng về nhà máy thủy điện Rào Trăng 4.

Khu vực 2 thủy điện này đều đang bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thủy nhưng nước đang chảy xiết do lũ.

13 người mất liên lạc khi đi cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3

Trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 để cứu hộ nhóm công nhân thủy điện, ông Nguyễn Văn Man (Phó tư lệnh Quân khu 4) cùng 12 người khác gặp nạn và hiện mất liên lạc.

Trước đó, trong đêm 12/10, đoàn tiếp cận gồm lực lượng Quân khu 4 cùng lực lượng chức năng khác của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm hơn 20 người đi bộ lên thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) nhằm xác minh sự việc một người dân thông báo, nhóm công nhân đang thi công thủy điện này bất ngờ bị vùi lấp do sạt lở đất.

Đến thời điểm này, thông tin ban đầu cho biết, số công nhân bị mất tích ở đây lên đến 17 người, chứ không phải là 10 người như ban đầu.

Do mưa lũ, sạt lở, suối chảy bất thường nên đoàn cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Lúc 23h ngày 12/10, đoàn báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3 km. Lúc này thời tiết xấu, trời tối và mưa lớn nên đoàn quyết định vào Trạm kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra vụ sạt lở đất tại vị trí 2 căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ. Trong số hơn 20 người trong đoàn, có 8 người may mắn thoát ra khỏi hiện trường vụ sạt lở và quay về, 13 người đang mất tích.

Hiện các lực lượng đang tổ chức tìm kiếm 13 người này.

Hơn 100 người tìm kiếm nhóm công nhân thủy điện

Sáng 13/10, hơn 100 người gồm quân đội, công an, nhân viên y tế... được huy động tìm kiếm nhóm công nhân nghi bị đất đá sạt vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền).

Công ty Thủy điện Rào Trăng 3 dự kiến thuê trực thăng để phục vụ công tác cứu hộ, nhưng gặp trở ngại bởi trời mưa.

Đến 10h30 sáng 13/10, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở lớn, nước suối dâng cao.

Mất liên lạc với 30 người

Đầu giờ chiều nay (13/10), một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa thể liên lạc được với 17 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).

Ngoài ra, 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 đến thời điểm hiện tại cũng chưa liên lạc được.

Vị lãnh đạo Bộ cho biết thêm, hiện ông đã có mặt ở Thừa Thiên Huế để phối hợp với các lực lượng lên phương án cứu hộ, cứu nạn.

Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ. Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ địa phương 1 xe cứu hộ đa năng, 1 xuồng cao tốc công suất 4.500 CV, máy phát có đèn pha 10 chiếc, 30 phao bè, 10 máy cắt thủy lực, 20 máy cưa cầm tay.

Thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế bị sạt lở, vùi lấp nhà

Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế nước lũ dâng cao đến nửa người. Trong khi đó, thuỷ điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, bị sạt lở vùi lấp nhà, 17 người kêu cứu.

Truyền thông trong nước cho biết, người báo tin về sự cố trên phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện báo tin cho lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Do mất sóng điện thoại, lực lượng chức năng chưa thể liên lạc được với người ở hiện trường. Quân khu 4 đang cử lực lượng vượt địa hình bị chia cắt để tiếp cận, xác minh thông tin vụ lở đất này.

Tuy nhiên, tại hiện trường địa hình hiểm trở, không có sóng điện thoại nên không liên lạc được với bên ngoài. Đến 16h15 chiều cùng ngày lực lượng tiếp cận vẫn chưa có thông tin báo về.

Một người đi cùng đoàn thông tin, do thời tiết mưa to, trời tối, đường đi hiểm trở nên việc tiếp cận khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 gặp rất nhiều khó khăn.

Thủy điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 13 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 44 triệu KWh. Dự án khởi công năm 2016, hoàn thành năm 2019.

Thành phố Huế chìm trong nước lũ

Trong khi đó, báo Phụ Nữ TPHCM cho biết vào sáng 12/10, tại khu vực các chung cư như: The Manor Crown, Vicoland, Xuân Phú… mực nước đã ngập ngang người. Tại những nơi này đã hình thành những bến đò tự phát, nhằm đưa đón người dân ra khỏi vùng ngập đi mua thức ăn, với giá 100.000 đồng/người cho đoạn đường 2 cây số.

Tương tự, tại khu vực ngã sáu đường Hùng Vương – Bà Triệu – Nguyễn Huệ, hàng chục chiếc ghe nhỏ chuyên chở khách ra vào vùng ngập lụt luôn “kín lịch” do nhu cầu của người dân đi lại trong lũ tăng cao.

Nhiều người đã cùng nhau thuê chung một chuyến ghe để ra siêu thị ở trung tâm thành phố Huế mua sắm lương thực, thực phẩm dự trữ. Bên cạnh đó, cũng có một số người đã gọi đò dịch vụ để đi tản cư, tránh lũ.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh ở chúng cư Vicoland cho biết đoạn đường từ chúng cư đến siêu thị Big C chưa đến 2 cây số, nhưng bốn người trên ghe phải trả 800.000 đồn cho hai lượt đi về. Dù giá khá cao nhưng tất cả đều phải chấp nhận, vì hiện tại đã hết lương thực dự trữ đã cạn kiệt sau bốn ngày lũ về.

Tính đến trưa 12/10, mưa lũ tại Thừa Thiên – Huế đã làm bốn người chết, một người mất tích và bảy người bị thương. Toàn tỉnh sơ tán gần 8.200 gia đình với gần 25.000 người.

Mưa lũ cũng đã làm ngập trên 58.000 căn nhà, chia cắt nhiều khu dân cư. Nhiều tuyến đường giao thông ngập sâu, sạt lở, hư hỏng. Đã bốn ngày qua người dân ở đây phải khốn khó giữa dòng nước lũ bủa vây tứ phía.

Xem thêm:


Thủy điện Rào Trăng 3 ở Huế: Cấp cứu 5 công nhân thủy điện