Tiểu sử ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiểu sử ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và quá trình làm việc của ông được Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam tóm tắt như sau:

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh vào ngày 20 tháng 7 năm 1954. Dân tộc: Kinh. Quê quán tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: X, XI, XII, XIII; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; là đại biểu Quốc hội các khóa: XI, XIII, XIV, XV.

tiểu sử Nguyễn Xuân Phúc
Tiểu sử Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)

Chi tiết tiểu sử Nguyễn Xuân Phúc:

Năm 1966 - 1968

Ông Nguyễn Xuân Phúc được đảng đưa ra miền Bắc đào tạo, học phổ thông cấp II.

Năm 1968 - 1972

Ông Nguyễn Xuân Phúc học trường cấp II, cấp III. Ông là Bí thư Chi đoàn, Bí thư Đoàn trường cấp III ở Hà Nội.

Năm 1973 - 1977

Ông Nguyễn Xuân Phúc là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp KI5, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; là Bí thư Chi đoàn.

Năm 1978 - 1979

Ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1979 - 1993

Ông Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm chức vụ Chuyên viên, Phó Văn phòng, Chánh Văn phòng của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Là Bí thư đảng ủy cơ quan, đảng ủy viên đảng ủy Khối dân chính đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khóa 1, 2. Trong thời gian này, ông Nguyễn Xuân Phúc học quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Năm 1993 - 1996

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khóa 15, 16.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã học lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và học quản lý kinh tế tại ĐH Quốc gia Singapore.

Năm 1997 - 2001

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam khóa 17, 18; là Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực của UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam; là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam và là Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 6.

Năm 2001 - 2004

Ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa 18; Bí thư Ban cán sự đảng; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khóa 6 kiêm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Ông Phúc cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XI; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; và là ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

Năm 2004 - 2006

Ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa 19; Bí thư Ban cán sự đảng; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khóa 7; Đại biểu HĐND tỉnh khóa 7.

Ông Phúc cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XI; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; và là ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

Từ tháng 3/2006 đến tháng 5/2006

Ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ X, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2007

Ông Nguyễn Xuân Phúc là ủy viên Trung ương đảng; Phó Bí thư đảng ủy; Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ; ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

Từ tháng 8/2007 đến tháng 1/2011

Ông Phúc là Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Bí thư đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Phúc cũng đảm nhiệm chức vụ là Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; và là Uỷ viên Ban Chấp hành đảng bộ của Khối cơ quan Trung ương.

Tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Phúc được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương đảng, và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2011

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI); là Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ; Bí thư đảng ủy; Bộ trưởng; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; là Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; và là Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Từ tháng 8/2011 đến tháng 1/2016

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI), giữ chức Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ; là Chủ tịch của Ủy ban liên Chính phủ Việt - Lào, Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Bắc; là Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo QG về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời giữ chức Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; là Tổ trưởng Tổ Kinh tế của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII... Ông Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý cấp cao Việt Nam tại trường ĐH Havard.

Tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Phúc được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương đảng, và được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 1/2016 đến tháng 4/2016

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XII), Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ; Phó thủ tướng Chính phủ. Ông Phúc tiếp tục giữ các chức vụ Trưởng ban và Phó trưởng ban các Ban chỉ đạo liên ngành nêu trên.

Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2016

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đảm nhiệm các chức vụ:

Phó chủ tịch của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; là Ủy viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Ủy viên Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương; Là Chủ tịch của Ủy ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo; Trưởng Ban của Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực... Ông Phúc cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Vào ngày 26/7/2016, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Từ tháng 7/2016 đến tháng 4/2021

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị; là Bí thư Ban Cán sự đảng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đảm nhiệm các chức vụ:

Phó chủ tịch của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ủy viên Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương; là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - Hải đảo; Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực; và Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; là Trưởng Ban chỉ đạo về an toàn và an ninh mạng quốc gia; Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương; và được Ban Chấp hành Trung ương bầu tái cử vào Bộ Chính trị khóa XIII.

Ngày 5/4/2021, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Chủ tịch nước; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; là Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030 và định hướng tới năm 2045.

Ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức

Tháng 1/2023, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong thời gian là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành ứng phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều quan chức của Chính phủ; trong đó có 2 Phó thủ tướng và 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. 2 Phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ; 2 Bộ trưởng cùng nhiều quan chức khác bị xử lý hình sự.

Ngày 18/1, Quốc hội Việt Nam đã họp và thống nhất miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trên đây là tiểu sử Nguyễn Xuân Phúc và quá trình làm việc của ông tại các cơ quan, ban, ngành địa phương và Trung ương.

Trần Duy

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Tiểu sử ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam