Tin sáng 13/10: Bão số 7 giật cấp 11 tiến gần Hoàng Sa, TP. HCM thông qua nghị quyết sáp nhập 3 quận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bão số 7 giật cấp 11 cách Hoàng Sa 170 km và vẫn tiếp tục mạnh thêm, TP. HCM thông qua nghị quyết sáp nhập 3 quận và 19 phường, máy bay liên tiếp bị chiếu tia laser vào buồng lái, Thủ tướng Nhật thăm hỏi nhân dân miền Trung Việt Nam... là những thông tin đáng chú ý sáng 13/10.

Bão số 7 giật cấp 11 cách Hoàng Sa 170 km

Hồi 4h ngày 13/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía Bắc Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 4h ngày 14/10, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, khoảng gần sáng 14/10 bão sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 7 cập nhật lúc 4h ngày 13/10/2020.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 7 cập nhật lúc 4h ngày 13/10/2020. (Nguồn: NCHMF)

Đến 16h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với cường độ mạnh cấp 8 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 4h ngày 15/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Thủ tướng Nhật thăm hỏi nhân dân miền Trung Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 12/10, trong cuộc điện đàm cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật gửi lời thăm hỏi nhân dân miền Trung về những thiệt hại do mưa lũ tại Việt Nam.

Thủ tướng Suga bày tỏ chia sẻ và gửi lời thăm hỏi nhân dân miền Trung Việt Nam về những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời người đồng cấp Nhật Bản Yoshihide Suga sớm thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Suga đã cảm ơn và nhận lời.

Tính đến tối 12/10, mưa bão ở miền Trung đã làm 23 người chết, 14 người mất tích, hơn 49.700 người phải sơ tán.

Mưa to ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam bắt đầu từ đêm 6/10 do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh. Tình trạng ngập lụt ở miền Trung có thể duy trì cả tuần tới.

Máy bay liên tiếp bị chiếu tia laser vào buồng lái

Theo nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi chiếu tia laser vào máy bay bị phạt tới 40 triệu đồng, tuy nhiên thời gian gần đây, tại khu vực sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất liên tục xảy ra các vụ chiếu tia laser vào buồng lái máy bay.

Truyền thông Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, liên tục xảy ra 3 vụ chiếu tia laser vào buồng lái máy bay. Cụ thể:

Vào lúc 21h42 ngày 11/10, cơ trưởng chuyến bay chở hàng mang số hiệu CV 6289 của Hãng hàng không Cargolux Airlines (Luxembourg) từ Bahrain đến Hà Nội đã thông báo cho trực ban trưởng sân bay Nội Bài việc bị chiếu tia laser vào buồng lái khi đang bay ở độ cao khoảng 2.000m, cách Sơn Tây hơn 3,2km.

Trước đó, lúc 19h59 ngày 9/10, cơ trưởng chuyến bay VN1401 của Vietnam Airlines từ Đồng Hới đi TP. HCM cũng báo cáo bị tia laser từ sân golf chiếu lên buồng lái khi máy bay vào hạ cánh ở đường băng 25L của sân bay Tân Sơn Nhất.

Lúc 18h03 ngày 7/10, chuyến bay VJ 168 của Vietjet từ TP. HCM đi Hà Nội cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất gần 3 km cũng bị tia laser chiếu thẳng vào buồng lái. Cơ trưởng đã thông báo vụ việc cho trực ban sân bay phối hợp cơ quan chức năng xử lý.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hành vi chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất, hạ cánh làm ảnh hưởng tới thao tác của phi công, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay.

TP. HCM thông qua nghị quyết sáp nhập 3 quận và 19 phường

Chiều 12/10, kỳ họp lần 21 của TP. HCM khóa IX đã bế mạc. 100% đại biểu thành phố có mặt đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức và 19 phường vào năm 2021.

Cụ thể theo Nghị quyết, nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị mới, đặt tên TP. Thủ Đức có diện tích tự nhiên 211,56 km2 với dân số 1.013.795 người.

Quận 2, 9 và Thủ Đức từng là một đơn vị hành chính với tên gọi huyện Thủ Đức, sắp tới sẽ sáp nhập thành TP. Thủ Đức.
Quận 2, 9 và Thủ Đức từng là một đơn vị hành chính với tên gọi huyện Thủ Đức, sắp tới sẽ sáp nhập thành TP. Thủ Đức. (Ảnh chụp màn hình)

19 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, 10 phường thuộc diện phải sắp xếp và 9 phường liền kề liên quan.

Sau khi sắp xếp, tinh giảm, TP. HCM còn 22 đơn vị hành chính, giảm 2 đơn vị, gồm 16 quận, 1 TP và 5 huyện; giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã, còn 312 đơn vị, gồm 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã.

Việt Nam Xã hội

Tin sáng 13/10: Bão số 7 giật cấp 11 tiến gần Hoàng Sa, TP. HCM thông qua nghị quyết sáp nhập 3 quận