Tổng cục Hải quan thông tin về vụ 22.000 lon sữa cứu trợ về TP.HCM 1 tháng chưa lấy ra được

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, quy định của Luật an toàn thực phẩm thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tối 9/11, Tổng cục Hải quan có công văn khẩn trả lời thắc mắc của Cục Hải quan TP. HCM về vướng mắc thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng viện trợ là lô hàng hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em trong dịch Covid-19.

Theo Tổng cục Hải quan, quy định của Luật an toàn thực phẩm thì có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Lô hàng 22.000 hộp sữa viện trợ không thuộc diện được miễn kiểm tra trừ khi Chính phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp.

Vì vậy, trong văn bản phúc đáp ngày 1/11, Cục đã hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc TP. HCM gửi công văn xin thẩm quyền giải quyết của Chính phủ cho ý kiến để làm các thủ tục nhập khẩu. Khi đó, lô hàng sẽ được miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do đang là hàng hóa nhập với mục đích phục vụ yêu cầu khẩn cấp.

Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn Cục Hải quan cho phép đưa hàng hóa về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể có nhiều tổ chức, cá nhân viện trợ các mặt hàng thực phẩm. Để tạo điều kiện cho việc tiếp nhận viện trợ và đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ tham mưu Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng giao các đơn vị phối hợp với Tổng cục Hải quan xem xét hồ sơ, thông quan sớm nhất.

Trước đó sáng 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP. HCM, phản ánh trong lúc chống dịch "nước sôi lửa bỏng", nhưng lô hàng hơn 22.000 hộp sữa do kiều bào Australia gửi tặng trẻ em khó khăn tại TP. HCM "đã về gần một tháng chưa lấy ra được".

Bà Châu nói, Mặt trận Tổ quốc TP. HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Cục Thú y chỉ trong hai ngày đã trả lời đồng ý. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm lại "đề nghị TP. HCM hỏi Chính phủ".

"Như vậy khi chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ cũng phải giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao không nêu chính kiến và tham mưu cho Chính phủ văn bản trả lời. Cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc", bà Châu nói.

Một đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng nêu ý kiến liên quan: Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng, nhiều trẻ em mồ côi, không chỉ tác động đến tâm sinh lý mà còn tước đi cơ hội được học tập và phát triển bình thường. Do đó, Chính phủ cần có chính sách huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em sau đợt dịch vừa qua.

Việt Nam Xã hội

Tổng cục Hải quan thông tin về vụ 22.000 lon sữa cứu trợ về TP.HCM 1 tháng chưa lấy ra được