TP. HCM đồng ý mở lại đường bay nội địa, nhiều chợ truyền thống bắt đầu được mở bán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi nhận được kế hoạch mở lại đường bay chở khách nội địa của Cục Hàng không, UBND TP. HCM đã có văn bản phản hồi, đồng ý nối lại đường bay.

Ngày 4/10, UBND TP. HCM đã gửi văn bản đến Cục Hàng không Việt Nam góp ý về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, TP. HCM cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét một số nội dung:

  • Về tần suất khai thác, đối với đường bay TP. HCM - Hà Nội, UBND TP. HCM đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần, để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
  • Về hoạt động của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, UBND TP. HCM yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
  • Hành khách cần tuân thủ các yêu cầu theo Chỉ thị 18 ngày 30/9/2021 của UBND TP. HCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố.
  • UBND thành phố đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phân công đầu mối để phối hợp với Sở GTVT TP. HCM trong công tác triển khai kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, đảm bảo phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố.

Cùng ngày (4/10), UBND thành phố Hà Nội cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam góp ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa đi/đến Hà Nội. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi/đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Trước đó, các tỉnh Bình Định, Điện Biên và Phú Yên cũng đã có văn bản đồng ý với kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam. Còn TP. Hải Phòng đề nghị trước mắt chưa khai thác các đường bay đến, đi thành phố này.

Nhiều chợ truyền thống ở TP. HCM mở lại

Sở Công thương TP. HCM cho biết, tính đến ngày 3/10, trên địa bàn thành phố có 16 chợ truyền thống được hoạt động và 9 chợ dã chiến gồm Củ Chi 7 chợ và quận 5 với 2 chợ.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP. HCM, sở đã có văn bản đề nghị các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch mở lại chợ trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, thành phố đã ban hành bộ tiêu chí đối với hoạt động của chợ. Do đó, số lượng chợ được mở lại trong thời gian tới sẽ tăng nhanh.

Nhiều ý kiến cảnh báo việc mở lại chợ sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, nếu được quản lý trong chợ còn tốt hơn là để người dân và tiểu thương bán chui, bán ở các điểm tự phát.

Ông Ngô Văn Hà - trưởng ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1) cho biết, chợ Bến Thành vừa mở lại từ ngày 3/10 đối với ngành hàng thiết yếu. Số lượng tiểu thương đăng ký mở bán lại đã tăng nhanh với hiện khoảng 150 hộ.

Theo ông Hà, để đảm bảo an toàn, chợ đã tổ chức mở bán theo đúng quy định của UBND thành phố như người bán tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống COVID-19, giãn cách tối thiểu từ 2m, có vách ngăn... Bên cạnh đó, chợ còn hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho khách hàng và 3 ngày/lần đối với tiểu thương kinh doanh.

Tương tự, chợ Bình Thới (quận 11) cũng vừa cho chợ hoạt động trở lại theo kế hoạch. Theo đó, giai đoạn 1 là mở bán từ ngày 1 đến 22/10 với 50% số hộ kinh doanh (200 hộ), mở cửa đến 12h và giai đoạn 2 từ 22/10 đến 22/11 với số hộ bán tăng dần, nếu an toàn sẽ mở bán như bình thường.

Còn chợ An Đông (quận 5) dự kiến sẽ mở lại từ ngày 10/10. Theo đó, điều kiện bắt buộc đối với người vào chợ là phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng chống COVID-19 sau 14 ngày, F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, phải mang theo giấy tờ, dữ liệu khai báo.


TP. HCM đồng ý mở lại đường bay nội địa, nhiều chợ truyền thống bắt đầu được mở bán