TP. HCM phê duyệt trụ sở làm việc các cơ quan của TP. Thủ Đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch TP. HCM vừa ký quyết định phê duyệt trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị hành chính tại TP. Thủ Đức.

Cụ thể, phương án trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP. Thủ Đức do chính quyền TP. HCM phê duyệt như sau:

  1. Trụ sở Thành ủy TP. Thủ Đức được đặt ở Quận ủy - UBND quận 9 cũ (số 2/304 xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) với diện tích gần 5.500 m2, tòa nhà này mới được xây.
  2. Trụ sở HĐND - UBND TP. Thủ Đức được bố trí tại trụ sở Quận ủy – UBND quận 2 cũ (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi) với diện tích 47.300 m2, hội trường có sức chứa 500 người.
  3. Trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP. Thủ Đức được bố trí một phần diện tích trong khuôn viên trụ sở UBND quận Thủ Đức cũ (số 43 đường Nguyễn Văn Bá, phường Bình Thọ) rộng 6.750 m2. Ngoài ra, một phần diện tích nơi đây cũng được bố trí làm trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thủ Đức.
  4. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đặt tại trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức (số 181 đường Thống Nhất, phường Bình Thọ).
  5. Trụ sở Thành đoàn TP. Thủ Đức được bố trí tại trụ sở Quận đoàn quận Thủ Đức (số 23 đường Bác Ái, phường Bình Thọ).
  6. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường) được đặt tại trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị quận Thủ Đức, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thủ Đức cũ (số 1 đường Tagore, phường Bình Thọ).
  7. Các bộ phận tiếp công dân; bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Thủ Đức tiếp tục duy trì tại các trụ sở quận cũ để thuận tiện phục vụ người dân.
  8. Các đơn vị sự nghiệp như trung tâm thể dục thể thao, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm văn hóa, trung tâm bồi dưỡng chính trị, nhà thiếu nhi, các cơ sở y tế, các trường học tạm giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi trụ sở.

Chính quyền TP. HCM giao chính quyền quận 2, 9, Thủ Đức và chính quyền TP. Thủ Đức hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp nhận đầy đủ tài sản, các hồ sơ liên quan các cơ sở nhà, đất nêu trên. Chính quyền TP. Thủ Đức sẽ kiểm kê, báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định Nghị định 167.

Trước đó, ngày 22/1, sau khi có kết quả bầu cử của HĐND TP. Thủ Đức, chính quyền TP. Thủ Đức đã ban hành quyết định phân công tạm thời Chủ tịch và các phó Chủ tịch phụ trách theo lĩnh vực và địa bàn trên 3 khu vực: Khu vực 1 - quận 2 cũ; Khu vực 2 - quận 9 cũ; Khu vực 3 - quận Thủ Đức cũ.

Các phòng, ban chuyên môn cũng phân công cấp phó theo lĩnh vực và địa bàn trên 3 khu vực như trên. UBND TP. HCM yêu cầu TP. Thủ Đức hoàn thiện các quy chế hoạt động của UBND và của từng phòng, ban chuyên môn trước ngày 29/1.

Đến ngày 25/1, UBND TP. HCM đã có công văn khẩn gửi các sở ban ngành và Chủ tịch TP. Thủ Đức về tiến độ tổ chức hoạt động TP. Thủ Đức, trong đó, yêu cầu các cựu lãnh đạo chính quyền quận 2, quận 9, quận Thủ Đức bàn giao toàn bộ nhiệm vụ cho Chủ tịch TP. Thủ Đức.

Hiện, bộ máy chính quyền TP. Thủ Đức đã cơ bản hoàn thiện với cơ cấu gồm: Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức (1), Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức (1), Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (3), lãnh đạo phòng, ban trực thuộc UBND TP. Thủ Đức (11).

Theo Nghị quyết số 1111 năm 2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc thành lập TP. Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.

Sau khi thành lập TP. Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1 triệu người.

TP. Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP. HCM); tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Việt Nam Chính trị

TP. HCM phê duyệt trụ sở làm việc các cơ quan của TP. Thủ Đức