TP.HCM đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh thành hỗ trợ chống dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong vừa kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành phố bạn hỗ trợ phòng, chống dịch cho đến khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát.

Chiều 16/8, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM đã họp bàn triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (từ ngày 15/8/2021 đến ngày 15/9/2021) theo mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ.

Theo Kế hoạch, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để đảm bảo vận hành hiệu quả nguồn nhân lực y tế, tập trung cho lĩnh vực điều trị để giảm tỷ lệ tử vong. Cụ thể, Sở Y tế TP. HCM sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn sẵn sàng tham gia phòng chống dịch; huy động đội ngũ y bác sỹ đang trong khu vực phong tỏa, huy động tối đa nguồn nhân lực từ các cơ sở hành nghề y dược tư nhân; huy động công chức, viên chức người lao động tại cơ quan tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TP. HCM tiếp tục vận động, huy động nguồn lực tự nguyện, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch.

Đặc biệt, TP. HCM kiến nghị Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố bạn tiếp tục tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch cho đến khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. HCM cơ bản được kiểm soát, không rút nhân sự đang hỗ trợ nhưng có thể cử nhân sự thay thế luân phiên và vẫn đảm bảo đủ số lượng nhân sự đã được huy động nhằm giữ ổn định lực lượng nhân viên y tế đã tăng cường cho các tuyến điều trị. Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch bệnh lan rộng.

TP. HCM cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng tham gia bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, điều tra, truy vết, xét nghiệm và tổ chức tiêm ngừa vaccince...

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM đặt ra 3 giai đoạn chống dịch nhằm từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. HCM trước ngày 15/9. Cụ thể:

Giai đoạn 1: Từ ngày 15/8 đến ngày 22/8, TP. HCM sẽ nỗ lực kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. TP. HCM xác định chiến lược chuyển đổi "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng"; mở rộng "vùng xanh" tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Giai đoạn 2: Từ ngày 23/8 đến ngày 31/8, TP. HCM sẽ dần mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh tại các quận 5, 7, 11, Phú Nhuận và các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè.

Giai đoạn 3: Từ ngày 1/9 đến 15/9, TP. HCM sẽ duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày. Số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân), đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.

Từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP. HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú.

Tối 16/8, TP. HCM ghi nhận thêm 3.341 ca nhiễm mới. Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP. HCM đã có tổng cộng 152.627 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Thêm 1,1 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam

Ngày 16/8, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã bàn giao hơn 1,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 loại AstraZeneca cho Viện Pasteur TP. HCM.

Theo VNVC, tính đến thời điểm này VNVC đã mang về Việt Nam hơn 5,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tương đương gần 20% số lượng vaccine trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC với AstraZeneca. Toàn bộ số vaccine này được chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế khẩn trương triển khai tiêm chủng cho người dân.

TP.HCM thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19

Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 gồm 19 thành viên, trong đó ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế làm Tổ trưởng; ông Trần Diệp Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược TP. HCM), bà Phạm Thị Ngọc Thảo (Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) và ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) làm Tổ phó.

Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM và Sở Y tế trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho người mắc COVID-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, Tổ chuyên gia còn tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Sở Y tế trong việc xây dựng mô hình phòng chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn cụ thể; tổ chức hội chẩn, tư vấn từ xa, huấn luyện về cách sử dụng trang thiết bị và các phương pháp hỗ trợ hô hấp trong điều trị COVID-19 nhằm nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho người mắc COVID-19 ở các tầng điều trị; đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà


TP.HCM đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh thành hỗ trợ chống dịch