TP.HCM: Hơn 1.500 trẻ mồ côi liên quan COVID-19, Sở Tư Pháp yêu cầu địa phương chăm sóc, giám hộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê, từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát đến nay, TP. HCM đã có hơn 1.500 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, mất cha, mẹ.

Liên quan đến vấn đề trên, trong ngày 17/9, Sở Tư pháp TP. HCM đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP. Thủ Đức phối hợp các phường, xã, thị trấn về việc chăm sóc, giám hộ trẻ, đồng thời quản lý tài sản khi chưa xác định được người thừa kế, người quản lý.

Cụ thể:

Đối với trẻ mồ côi, trẻ không ai nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân vì dịch bệnh COVID-19, UBND phường, xã, thị trấn (địa phương) nơi trẻ cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng. Đồng thời áp dụng các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định. Nếu trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ.

Trong trường hợp chưa có biện pháp chăm sóc thay thế, địa phương thực hiện ngay việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.

Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, địa phương có trách nhiệm quản lý khi chưa xác định được người thừa kế, người quản lý tài sản và giao lại di sản khi có yêu cầu của người thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Trong buổi trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM - cho biết, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau dịch COVID-19 chia thành 3 nhóm: nhóm mồ côi cha, mồ côi mẹ và nhóm mất cả cha lẫn mẹ.

Theo TS Thuận, việc mất đi cha mẹ là một sang chấn tâm lý rất lớn, không gì có thể bù đắp được và rất nghiêm trọng. Nếu không được quan tâm đúng mức, trẻ có thể gây ra những hành vi tiêu cực cho chính bản thân trẻ và cả xã hội.

TS Thuận cho hay, có những nhóm trẻ mất cha hoặc mẹ, người còn lại không đủ sức lao động sẽ dẫn tới trẻ thiếu dinh dưỡng, học hành sa sút, chậm phát triển tâm thần. Khi không đủ ăn, trẻ bắt buộc phải lao động sớm dẫn đến khả năng bị lạm dụng.

Về y tế, theo TS Thuận, những trẻ không được quan tâm đúng mức có thể chính là nguồn lây bệnh vì không có ai chăm sóc, điều trị, đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu trầm cảm, lo âu kéo dài, trẻ không thể trở thành người công nhân bình thường... Đây là vấn đề y tế và sức khỏe tâm thần khẩn cấp.

Đông Dương


TP.HCM: Hơn 1.500 trẻ mồ côi liên quan COVID-19, Sở Tư Pháp yêu cầu địa phương chăm sóc, giám hộ