TP.HCM rất thiếu lao động, 17 địa phương đề nghị công nhận kiểm soát được dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù 17 địa phương tại TP. HCM đã kiểm soát được dịch nhưng thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động. Số lao động hiện có tại khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ bằng 46% so với trước đây.

Tại buổi họp báo chiều 4/10, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM - cho biết, trong 3 ngày đầu thành phố thực hiện Chỉ thị 18, nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thực hiện không đúng quy định 5K, tụ tập đông người, buôn bán hàng rong, lưu thông khi chưa đủ điều kiện…

Ông Hải cho biết, tính đến ngày 3/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá của các đoàn kiểm tra. Theo đó, có 17 địa phương công bố kiểm soát được dịch và đề nghị thành phố công nhận.

17 địa phương này là: TP. Thủ Đức, quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi.

Các địa phương còn lại gồm 3 quận, huyện chưa báo cáo thẩm tra, thẩm định của đoàn kiểm tra là: quận 4, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn. Hai địa phương chưa công nhận kiểm soát được dịch là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Ông Hải cũng cho hay, trong 3 ngày qua, có 5.279 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc thiết bị để chuẩn bị hoạt động trở lại. Các quận, huyện hiện đang làm việc với các cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết, trước thời điểm ngày 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở thành phố có khoảng 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến".

Từ ngày 1/10 đến ngày 4/10, số lượng lao động trên giảm xuống chỉ còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Số lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người.

"Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây, do vậy còn rất thiếu. Hiện nay, các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình", ông Hải nói.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Lâm – Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM – cho biết, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý 3 có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại thành phố là từ 43.600 - 58.800 người. Trong quý 4, các doanh nghiệp tại đây cần 56.000 lao động, trong khi chỉ đáp ứng được khoảng 90 - 92%.

Sở LĐ-TB&XH báo cáo rằng, hiện nay, một số lao động về quê sẽ nhận được tin nhắn và quay lại thành phố để tiếp tục làm việc, còn điều kiện làm việc sẽ theo Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp.

Về lực lượng lao động ở thành phố có nhu cầu tìm việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết, thành phố có 127 cơ quan giới thiệu việc làm được cấp phép. Sở đang khảo sát nhu cầu tìm việc làm để tư vấn, giới thiệu danh sách doanh nghiệp cần người lao động và địa chỉ cụ thể. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ kết nối hai bên để doanh nghiệp phỏng vấn, nếu đạt yêu cầu thì vào làm việc.

Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định “có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính”

Cũng trong tối ngày 4/10, bốn hội ngành lớn của TP. HCM gồm: Lương thực – Thực phẩm, Dệt may thêu đan, Cơ khí – Điện, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ đã gửi văn bản đến chính quyền TP. HCM kiến nghị sửa văn bản 3252/UBND-ĐT ban hành ngày 1/10 về việc tạo điều kiện cho người lao động di chuyển giữa TP. HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.

Cụ thể, tại văn bản 3252, UBND TP. HCM yêu cầu công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón hoặc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến cơ sở sản xuất đóng tại khu vực TP. HCM và ngược lại dù đã được tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng vẫn phải bắt buộc "có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần)".

Theo các hiệp hội, quy định này không nhất quán với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong văn bản 8228 của Bộ Y tế quy định đối với các tỉnh thành có nguy cơ dịch rất cao thì "người lao động có nguy cơ cao (lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, tổ trưởng sản xuất...) hay người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (cung cấp nguyên vật liệu...) không cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc)".

Do đó, các hiệp hội ngành hàng tại TP. HCM kiến nghị chính quyền thành phố cho phép công nhân, chuyên gia khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc bằng xe đưa đón để đến cơ sở sản xuất kinh doanh tại TP. HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An nếu đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:

Đã chích ngừa vaccine COVID-19 đủ 2 mũi, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (không yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính định kỳ 7 ngày/lần đối với trường hợp này).

Hoặc đã chích ngừa COVID-19 mũi 1, được 14 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

Theo các hiệp hội ngành hàng, trong thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đang gặp áp lực rất lớn về tài chính và đang huy động toàn bộ nguồn lực để tái sản xuất trở lại thì việc tiếp tục yêu cầu người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn phải xét nghiệm định kỳ 7 ngày/1 lần giống như trước đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn vaccine và nguồn lực của doanh nghiệp.

Mạnh Hùng


TP.HCM rất thiếu lao động, 17 địa phương đề nghị công nhận kiểm soát được dịch