TP.HCM: Trường ĐH đầu tiên cho sinh viên đến trường, đề xuất học sinh lớp 9 và 12 học trực tiếp từ tháng 12

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP. HCM có nhu cầu, đủ điều kiện quy định của cơ quan y tế có thể tham gia dạy học trực tiếp từ ngày 8/11; Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường từ tháng 12.

Trường ĐH Kinh tế TP. HCM vừa có thông báo về việc thí điểm giảng dạy và học tập theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại TP. HCM. Theo đó, nhà trường dự kiến thí điểm tổ chức giảng dạy theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp từ tháng 11 tới.

Cụ thể, giảng viên và người học có nhu cầu, đủ điều kiện quy định của cơ quan y tế có thể tham gia dạy học trực tiếp tại các phòng học đã trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết (micro kết nối máy tính trực tuyến, bút từ viết được trên màn hình cảm ứng, camera quay hình ảnh trong lớp học…). Những sinh viên còn lại có thể tham gia lớp học theo hình thức trực tuyến và vẫn tiếp cận được nội dung bài giảng từ xa.

Để triển khai hình thức này, từ ngày 1-6/11, giảng viên sẽ trải nghiệm việc giảng dạy theo hình thức kết hợp tại các phòng học của trường cho lớp học đã đăng ký. Giảng viên đồng thời lấy ý kiến người học của các lớp học mình đang phụ trách về số lượng đồng ý học trực tiếp tại trường.

Nếu tỉ lệ người học đồng ý học trực tiếp đạt từ 30% trở lên và giảng viên đồng ý thì môn học đó sẽ được tổ chức dạy học theo hình thức kết hợp từ ngày 8/11.

Thông báo của trường cũng cho biết, sinh viên được học trực tiếp khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã tiêm 1 mũi trước đó tối thiểu 14 ngày tính đến ngày 8/11.

Khi đến trường, giảng viên và sinh viên sẽ được đo thân nhiệt, thực hiện quét mã QR bằng phần mềm PC-COVID, đảm bảo 5K và các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Sở GD-ĐT TP. HCM đề xuất học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường từ tháng 12

Đó là một trong những nội dung được ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TP. HCM thông tin trong 'Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022' diễn ra sáng nay (29/10) tại TP. HCM.

Ông Hiếu cho biết, dự kiến Sở GD-ĐT sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP. HCM cho học sinh các lớp cuối cấp (lớp 9 và 12) cùng những học sinh THPT đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine được đi học trực tiếp trở lại vào đầu tháng 12 tới. Căn cứ vào cấp độ dịch của từng quận, huyện sẽ lên kế hoạch trở lại trường cụ thể cho từng địa phương để trình lên UBND quyết định.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện còn khoảng 250 cơ sở giáo dục được trưng dụng phòng chống COVID-19. Dự kiến những cơ sở này sẽ được bàn giao lại trong tháng 11. Sau đó ngành giáo dục sẽ tiến hành sửa chữa chuẩn bị các điều kiện để đưa vào dạy học trực tiếp trở lại.

Trước đó, ngày 27/10, Sở GD-ĐT TP. HCM đã có tờ trình gửi UBND thành phố về việc cho học sinh đi học trực tiếp. Theo đó, phương án mở cửa trường học trở lại được đưa ra như sau:

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2:

  • Tổ chức dạy học trực tiếp: không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập, nếu đảm bảo các điều kiện an toàn có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh....
  • Đảm bảo giãn cách, đảm bảo đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID trong ngành giáo dục do UBND thành phố ban hành.
  • Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin. trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học qua internet khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
  • Các cơ sở giáo dục đại học được tố chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trường học. Đảm bảo đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy - học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine. Đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3:

  • Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
  • Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu liên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.
  • Tổ chức học trực tiếp cho học sinh, học viên, sinh viên bố trí lệch ca. lệch giờ. Không tập trung đông người, giãn cách tối đa. Đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí và được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 đánh giá an toàn.

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4:

  • Tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học. Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp.
  • Phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình. Có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
  • Theo dự thảo, chỉ những giáo viên được chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 trước 2 tuần mới được bắt đầu vào trường. Giáo viên tiêm đủ liều vaccine được phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc.
  • Đối với mầm non, thời gian đầu, chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú, chia đôi lớp và bố trí lệch buổi. Sau mỗi tuần, Phòng GD-ĐT đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp...).


TP.HCM: Trường ĐH đầu tiên cho sinh viên đến trường, đề xuất học sinh lớp 9 và 12 học trực tiếp từ tháng 12