Trưa 20/9: Hai 'ổ dịch' phức tạp ở Hà Nội tiếp tục gia tăng ca mắc COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 20/9, thành phố ghi nhận 3 ca dương tính tại 2 ‘ổ dịch’ là chung cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai) và phường Việt Hưng (quận Long Biên).

3 bệnh nhân (BN) mới này thuộc chùm ca ho, sốt thứ phát. Cụ thể:

BN1: N.T.N, nữ, sinh năm 1988, ở tổ 5, phường Việt Hưng, quận Long Biên. BN này liên quan đến chùm ca bệnh mới tại tổ 4 phường Việt Hưng, quận Long Biên và là F1 của BN N.T.H (con gái bà Â.T.K). Bệnh nhân N. được đưa đi cách ly tập trung và có kết quả dương tính vào ngày 20/9. Như vậy, liên quan đến chùm ca bệnh mới tại quận Long Biên hiện đã ghi nhận 13 ca dương tính.

UBND phường Việt Hưng vào đêm qua (19/9) đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ cư dân thuộc 3 tổ dân phố: 4, 5, 7. Tính đến trưa nay, phường Việt Hưng đã lấy được 3.347 mẫu xét nghiệm, kết quả 100% số mẫu được lấy đã âm tính.

BN2-BN3: N.M.D, nam, sinh năm 1995; N.T.T, nữ, sinh năm 1991; đều ở chung cư Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Hai BN cùng nhà, sống trong khu vực phong tỏa, đã cách ly và xét nghiệm âm tính. Ngày 19/9, họ được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội là 3.928 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc thuộc diện đã được cách ly là 2.330 ca.

Bộ Y tế ra công điện về xét nghiệm khi thực hiện nới lỏng giãn cách ở các địa phương

Bộ Y tế Việt Nam đã có công điện đề nghị các địa phương quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Bộ Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phổ biến đến tất cả quận/huyện, xã/phường, thị trấn; tập trung thực hiện tại những địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Tại những địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm với nhóm, địa điểm nguy cơ để kịp thời điều chỉnh phù hợp biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, trong Công điện 1409, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khi thực hiện giãn cách xã hội, phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách. Nguyên tắc là ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể như thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...

Bộ Y tế nhấn mạnh việc xét nghiệm cấp tốc là then chốt nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam), địa phương phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Các đơn vị có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.

Các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.


Trưa 20/9: Hai 'ổ dịch' phức tạp ở Hà Nội tiếp tục gia tăng ca mắc COVID-19