Trung Quốc âm mưu gì đằng sau tham vọng thôn tính nguồn nước sông Mekong?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số nhà ngoại giao và quan chức chính phủ trong khu vực đã mô tả sông Mekong như một "Biển Đông thứ hai". Nhưng khác với tranh chấp trên Biển Đông về các hải phận, tranh chấp trên sông Mekong là về việc quản lý nguồn nước mà ở đó, Trung Quốc nắm “lá bài” chủ chốt điều tiết nước trên sông Mekong, từ đó tạo nên lợi thế, gây sức ép với các quốc gia ở hạ nguồn.

Một số nhà phân tích ví các đập thuỷ điện ở thượng nguồn Trung Quốc giống như những “quả bom nước”, có thể đe doạ nghiêm trọng tới các nước ở khu vực hạ lưu.

Nhiều phân tích đã chỉ ra hàng loạt các hệ lụy nghiêm trọng mà những đập thuỷ điện này gây ra cho các nước trong khu vực: Hạn hán gia tăng; Mùa lũ biến mất; Nghề cá bị thiệt hại nghiêm trọng; Sự đa dạng sinh thái bị phá huỷ; Nhiều loài sinh vật đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng; Biển Hồ của Campuchia biến mất; ĐBSCL của Việt Nam bị đẩy nhanh quá trình tan rã…

Xung đột về tài nguyên nước đã dẫn đến những bất ổn về tình hình địa – chính trị trong khu vực sông Mekong giữa Trung Quốc và các quốc gia ở hạ nguồn.

Ông Brian Eyler – Chủ nhiệm Dự án Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ), đồng tác giả của cuốn “Những ngày cuối cùng của Sông Mekong vĩ đại” cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ: "Đối với Bắc Kinh, nguồn nước giống như một hàng hoá tiêu dùng có chủ quyền, [mà] không phải là nguồn tài nguyên chung được phân phối công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn [1].

Nắm được “vòi nước” của sông Mekong, ĐCSTQ tương đương nắm được “lá bài” chính trị - ngoại giao, kiểm soát được một nửa các nước trong số 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hành vi “ngang ngược” của ĐCSTQ trên lưu vực sông Mekong cũng khiến Mỹ, Nhật Bản chú ý, khiến sông Mekong ngày càng trở thành “điểm nóng” địa - chính trị mới.

Trung Quốc xây đập thuỷ điện nhưng không sử dụng điện

Ông Brian cho biết, năm 2018 đã xảy ra tình trạng lãng phí điện tại các đập thuỷ điện của Trung Quốc trên thượng nguồn: “Chỉ tính riêng tại tỉnh Vân Nam, lượng điện “bỏ không” thậm chí gấp đôi sản lượng điện tiêu thụ của toàn đất nước Thái Lan”. Những nhà máy nằm tại khu vực đường bờ biển của Trung Quốc lại không sử dụng lượng điện này mà thay vào đó là điện than [2].

Đập Tiểu Loan tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chứa 15 tỉ m3 nước, tạo ra công suất 4.200 MW. Tuy nhiên, sản lượng điện này phần lớn lại không được sử dụng do không có điện lưới đến phía Đông Trung Quốc.

Ông Brian nói: “Vì sao Trung Quốc vẫn xúc tiến kế hoạch xây đập?”. Ông cho rằng Bắc Kinh đang muốn tích trữ nước cho tương lai. Ông Brian dự đoán trong khoảng ba thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya cạn dần. Trung Quốc cũng có thể tiến hành khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử, mặc kệ tình cảnh của các nước ở hạ nguồn Mekong [3].

Theo đuổi các mục tiêu kinh tế và địa - chính trị, khoảng 28 đập thuỷ điện đã được chính phủ các quốc gia xây dựng trên dòng chính và phụ lưu sông Mekong, riêng Trung Quốc sở hữu 11 đập thuỷ điện ở thượng lưu, chứa khoảng 47 tỉ m3 nước, với tổng công suất phát điện lên tới 21.300 MW, lớn hơn công suất thuỷ điện được lắp đặt tại tất cả các quốc gia phía hạ nguồn.

Trung Quốc thiết lập “Một vành đai, Một con đường” trên lưu vực sông Mekong - Gây chia rẽ nội bộ các nước ASEAN

Trung Quốc đã chịu nhiều chỉ trích từ các chuyên gia vì không công bố minh bạch các dữ liệu thuỷ văn và hoạt động của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Họ coi đây là bí mật quốc gia.

Từ những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập thuỷ điện đầu tiên trên thượng nguồn sông Mekong và dần thiết lập “một vành đai, một con đường” trên lưu vực sông này.

Giống như nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi sập bẫy nợ trong Sáng kiến “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng rơi vào bẫy nợ trong hợp tác Mekong.

Trong hơn 30 năm qua, Lào đã xây dựng 64 đập thuỷ điện trên các chi lưu của sông Mekong và Campuchia xây 3 đập. Hơn 438 đập khác đã được lên kế hoạch xây dựng, chủ yếu ở Lào và Campuchia.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch tài chính để giúp xây dựng những con đập này. Nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo Lào có thể rơi vào tình trạng khốn cùng với khoản nợ cao khi vay mượn từ Trung Quốc. Khoản nợ này trong nợ công của Lào được dự báo có thể chiếm tới 70% GDP, là mức cao với một quốc gia có thu nhập thấp và nền công nghiệp chưa phát triển như Lào. Tương tự, Trung Quốc sẽ có thể làm chủ tới 40% tỉ lệ nợ quốc gia của Campuchia [4].

Lào chiếm 25% lưu vực thoát nước của sông Mekong – tỉ lệ lớn nhất trong các nước trên lưu vực. Từ lâu, quốc gia này đã tìm cách để trở thành “nguồn năng lượng của châu Á” bằng việc xuất khẩu 2/3 năng lượng nhờ vào thuỷ điện. Trung Quốc rất chào đón sự phát triển các đập thuỷ điện của Lào và tin tưởng rằng chúng có thể làm suy yếu mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam, từ đó kéo Viêng Chăn đến gần hơn với Bắc Kinh.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia cũng ngày càng lớn trong hơn 30 năm qua, trong khi mối quan hệ Mỹ - Campuchia trở nên bấp bênh hơn.

Campuchia đã hai lần phản đối ASEAN đưa ra phán quyết về tình hình tranh chấp trên Biển Đông vào năm 2012 và 2016, không đồng lòng với ý kiến của Việt Nam và Philippines, khiến các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không thể ra được tuyên bố chung trong Hội nghị cấp cao của khối.

Các đập thuỷ điện của Trung Quốc gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái

Các con đập còn làm gián đoạn chu kỳ lũ lụt hàng năm của sông Mekong, vốn giúp đất nông nghiệp tái sinh một cách tự nhiên bằng cách tải phù sa giàu dinh dưỡng từ thượng nguồn và giúp mở rộng các vùng nuôi cá.

Theo báo cáo của tổ chức Eyes on Earth [5], con sông vốn có tài nguyên nước phong phú này từ đầu năm 2010 đã bắt đầu liên tiếp xảy ra “khủng hoảng” nguồn nước khi các công trình thuỷ điện chính tại các khúc cong nhỏ trên sông Lan Thương (phần sông Mekong chảy ở lãnh thổ Trung Quốc) được hoàn thành và tổ máy phát điện đi vào sản xuất.

Trong mùa mưa năm 2019, hai khu vực thượng nguồn và hạ nguồn Mekong có hai số phận khác nhau.

Các dữ liệu từ Trung tâm Stimson cho thấy từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2019, trong khi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn Trung Quốc trữ một lượng nước lớn nhờ lượng mưa lớn hơn mức trung bình và tuyết tan thì các nước ở hạ lưu sông Mekong lại trải qua đợt hạn hán chưa từng có [6].

Vào tháng 7/2019, kết hợp với hiệu ứng thời tiết El-Nino gây nên tình trạng thiếu mưa ở hạ nguồn, hoạt động tại đập Cảnh Hồng của Trung Quốc và đập Xayaburi khổng lồ sắp xây xong ở Lào đã dẫn đến tình trạng hạn hán tồi tệ nhất tại Đông Nam Á trong hơn một thế kỷ. Trung Quốc đã quyết định “tắt vòi nước sông Mekong” từ đập Cảnh Hồng với lý do họ phải tiến hành “bảo trì lưới điện”.

Vào thời gian này, Thái Lan đã phải huy động quân đội để ứng phó với tình trạng hạn hán khẩn cấp ở các tỉnh phía Đông Bắc khi các bãi đá và vùng đất giữa lòng sông bị trơ ra chưa từng thấy.

Tại Campuchia, các cộng đồng đánh bắt cá bên Biển Hồ – vùng đánh bắt thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, đã báo cáo sản lượng đánh bắt thấp hơn 80 – 90% so với hàng năm [7].

Mực nước ở Biển Hồ bị giảm xuống mức thấp kỷ lục, đến nỗi có ngôi làng chài trên hồ đã biến mất hoàn toàn.

Tại Việt Nam, hàng triệu người dân vùng ĐBSCL phải đối mặt với tình trạng đồng ruộng nứt nẻ, xâm nhập mặn vào sâu trong nội vùng, gây nên tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Trước đó, trong cơn hạn hán lịch sử vào năm 2016, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc tăng lưu lượng xả nước từ thuỷ điện Cảnh Hồng để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập. Tuy nhiên, nước chỉ về đến Stung Treng (Campuchia), không có “giọt nào” về đến Biển Hồ và ĐBSCL.

Là nơi có nghề đánh cá nước ngọt lớn nhất thế giới, lưu vực sông Mekong chiếm khoảng 25% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu, mang lại giá trị khoảng 17 tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Uỷ ban Sông Mekong, việc phát triển thuỷ điện đến năm 2040 – bao gồm cả một số đập lớn của Trung Quốc đang được xây dựng và đã được lên kế hoạch xây dựng– sẽ khiến trữ lượng cá giảm khoảng 40 – 80%.

Sau khi xây dựng hồ chứa, phù sa sẽ không đi xuống hạ nguồn, làm mất đi nguồn dinh dưỡng của cá được chứa trong phù sa. Không chỉ vậy, nước từ trong hồ chảy xuống có nhiệt độ thấp hơn nước sông bình thường vài độ sẽ làm gián đoạn quá trình sinh sản của cá.

Mất đi lượng phù sa quý giá được bồi đắp hàng năm, ĐBSCL – vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới (sau Thái Lan) - phải đối mặt với tình trạng đất nông nghiệp bạc màu, sạt lở nghiêm trọng trong bối cảnh mực nước ngầm tại đồng bằng sụt giảm nhanh chóng và mực nước biển dâng cao.

Con sông mẹ của nhiều quốc gia châu Á đang hấp hối trong những ngày cuối cùng.

Là quốc gia nằm ở cuối nguồn sông Mekong, khi không còn phù sa đổ về đồng bằng, không còn nghề cá, mất đi nguồn lợi chính từ gạo, trái cây và rau quả, cùng với tốc độ tan rã nhanh chóng của ĐBSCL - điều gì sẽ chờ đợi Việt Nam ở phía trước khi mất đi 20% GDP từ miền đất trù phù này, cùng với những bất ổn đã đang hiện rõ về tình trạng di cư và các vấn đề xã hội khác?

Tường Vân

Tài liệu tham khảo:

[1] 扼殺湄公河加劇乾旱 中共威脅數百萬人生命線. https://hk.epochtimes.com/news/2020-04-29/71683026

[2][3] Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc xây đập trên Mekong không để lấy điện. Việt Anh. Vnexpress.net

[4] Chinese Intentions Towards the Mekong River and Mainland South-East Asia. Future Directions International.

[5] Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions. Tr.17-18

[6][7] How China Turned Off the Tap on the Mekong River. The Stimson Center.

Việt Nam Chính trị

Trung Quốc âm mưu gì đằng sau tham vọng thôn tính nguồn nước sông Mekong?