Trung Quốc đặt ‘bom hẹn giờ' mới trên biển, gia tăng căng thẳng trong khu vực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ ngày 1/9, Trung Quốc chính thức áp dụng Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi yêu cầu các tàu nước ngoài phải “báo cáo thông tin chi tiết" trước khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình.

Hôm Chủ nhật (29/8), Trung Quốc thông báo Luật hàng hải mới (Maritime Traffic Safety Law - MTSL) quy định về việc các tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) trích quy định cho biết 5 loại tàu phải khai báo gồm: (1) tàu ngầm; (2) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (3) tàu chở vật liệu phóng xạ; (4) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (5) các tàu khác "có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc" được mô tả trong các luật và quy định hành chính.

Quy định nêu rõ các tàu phải khai báo danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.

Sau khi đi vào "vùng lãnh hải Trung Quốc", nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc AIS bị hư, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển mỗi 2 tiếng cho nhà chức trách Trung Quốc.

Cũng theo Điều 53 của Luật này, Trung Quốc có quyền ngăn chặn và dừng "các tàu nước ngoài qua lại không vô hại trong lãnh hải Trung Quốc" và Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ "bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Các chuyên gia Trung Quốc nói với tờ truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn cầu rằng, họ coi việc ban hành các quy định hàng hải như vậy là một dấu hiệu của nỗ lực tăng cường nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc trên biển bằng cách thực hiện các quy tắc nghiêm ngặt để tăng cường khả năng nhận dạng hàng hải.

Song Zhongping - một nhà bình luận truyền hình (Trung Quốc) cho biết trên Thời báo Hoàn Cầu, Cục An toàn Hàng hải có quyền xua đuổi hoặc từ chối việc xâm nhập của một tàu vào vùng biển của Trung Quốc nếu tàu này bị phát hiện là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Wu Fei - Phó giáo sư tại Đại học Tế Nam Quảng Châu (Trung Quốc) viết: “Các tàu lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc… người ta khó có thể không liên kết chúng với các tàu quân sự do Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản triển khai tới Biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan”.

'Quả bom hẹn giờ' làm gia tăng căng thẳng trong khu vực

Luật hàng hải mới của Trung Quốc được nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với việc tàu thuyền qua lại, cả thương mại và quân sự, ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan đang tranh chấp, và có khả năng làm leo thang căng thẳng hiện có với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực.

Hiện nay, các hoạt động hàng hải quốc tế được điều chỉnh bởi một thỏa thuận quốc tế gọi là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc, Ấn Độ và hơn một trăm quốc gia khác là thành viên ký kết. Theo đó, các quốc gia có quyền thực hiện quyền lãnh hải lên đến 12 hải lý trên biển. UNCLOS cũng tuyên bố rằng tất cả các tàu thuyền đều có quyền “đi lại vô hại” qua khu vực này. Luật mới của Trung Quốc vi phạm điều này.

UNCLOS quy định rằng việc đi lại vô hại là "liên tục và nhanh chóng", "miễn là không làm phương hại đến hòa bình, trật tự tốt hoặc an ninh của Quốc gia ven biển". Do đó, nếu một tàu nước ngoài đang thực hiện việc đi lại vô hại, các quốc gia ven biển “sẽ không cản trở việc tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải một cách vô hại". Các quốc gia ven biển chỉ có thể thực thi pháp luật nếu các tàu bị cáo buộc đã vi phạm chế độ đi lại vô hại trong lãnh hải.

Nhưng ông Su Tzu-yun - Giám đốc Phòng Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đài Loan - đã chỉ ra rằng, Bắc Kinh định nghĩa vùng lãnh hải của mình rộng hơn nhiều, bao gồm: “vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cũng như các vùng biển khác thuộc thẩm quyền của mình”.

Tiến sĩ Monika Chansoria - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo và là người chuyên về an ninh châu Á đương đại và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, gọi động thái này của Trung Quốc là sự tiếp nối của một loạt quyết định được tăng cường ở Biển Hoa Đông và Biển Đông từ năm 2020.

Tháng 2/2021, Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh sửa đổi cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài và phá huỷ các công trình kinh tế trong các khu vực tranh chấp.

Tiến sĩ Chansoria cho biết, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc hiện nay là một “tổ chức bán quân sự" trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tiến sĩ Chansoria nói với tờ Indian Express trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Tất cả những tuyên bố này đều rất đáng báo động, vì chúng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể xảy ra - có thể đe dọa sự ổn định và an ninh tổng thể ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan”.

Theo Chương VI của Luật Cảnh sát biển, các quan chức Cảnh sát biển Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay nếu một tàu nước ngoài “bất hợp pháp” đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hơn nữa, họ có thể sử dụng vũ khí trên không nếu tàu hoặc máy bay của Trung Quốc bị tấn công.

Không rõ luật hàng hải mới của Trung Quốc sẽ được thực thi mạnh mẽ đến mức nào và trên phạm vi địa lý rộng như thế nào.

Bài báo “Luật An ninh Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc” của Khoa Luật Quốc tế (International Law Studies - Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ) đã phân tích những rủi ro đi kèm cả bề rộng địa lý và yêu cầu của Trung Quốc.

Bài phân tích chỉ ra rằng “phạm vi ứng dụng của MTSL có vấn đề”. Nó không chỉ đơn giản bao gồm các vùng nước ven biển mà còn bao gồm các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, vốn “không được xác định trong luật” và do đó “có chủ đích mơ hồ”.

Do “các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức của Trung Quốc và các hoạt động thực thi trước đó, MTSL có thể được dự định áp dụng cho tất cả các vùng biển và khu vực đáy biển bao gồm: (1) đường chín đoạn ở Biển Đông, (2) kéo dài đến Máng Okinawa ở Biển Hoa Đông, và (3) vượt qua đảo đá Ieodo (Hàn Quốc - Đá Socotra) ở biển Hoàng Hải.”

Phạm vi các tàu có khả năng bị ảnh hưởng bao gồm đội tàu chở dầu, tàu chở LNG và tàu chở hóa chất phục vụ các lĩnh vực sản xuất cần nhiên liệu của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với bản đồ “đường chín đoạn", Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông rộng hơn 1,3 triệu dặm vuông là lãnh thổ có chủ quyền của mình và đã bị chỉ trích vì xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo trong khu vực mà Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Máng Okinawa ở Biển Hoa Đông là điểm giao thoa giữa Trung Quốc và Nhật Bản, là tâm điểm của nhiều cuộc đụng độ căng thẳng giữa đội tàu đánh cá và lực lượng bảo vệ bờ biển, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Rạn san hô Ieodo được cả Hàn Quốc và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng ít căng thẳng hơn các khu vực nói trên.

Đối với Đài Loan, theo công ước của Liên Hợp Quốc, vùng biển giữa Đài Loan và Trung Quốc được coi là một eo biển quốc tế, qua đó đảm bảo quyền tự do hàng hải “chỉ với mục đích vận chuyển liên tục và nhanh chóng qua eo biển”.

Ông Su Tzu-yun cho hay, các quốc gia khác lo ngại rằng việc Trung Quốc lợi dụng luật pháp để mở rộng phạm vi xung đột “vùng xám" có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ".

Theo ông Su, điều này sẽ bao gồm 12 hải lý trên biển bao quanh các rạn san hô nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông, tạo cho Bắc Kinh một cái cớ để đáp trả các cuộc tập trận tự do hàng hải do quốc gia khác thực hiện.

‘Quả bom hẹn giờ’ đe doạ thương mại hàng hải toàn cầu

Biển Đông là một tuyến hàng hải huyết mạch của nhiều nước trên thế giới, có tầm quan trọng kinh tế lớn trên toàn cầu. Gần một phần ba lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới đi qua các tuyến hàng hải ở đây.

Biển Đông cũng là một tuyến đường quan trọng đối với Ấn Độ, cả về mặt quân sự và thương mại. Khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, đồng thời hỗ trợ hiệu quả việc cung cấp năng lượng.

Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ước tính rằng hơn 55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông và eo biển Malacca. Ấn Độ cũng tham gia vào hoạt động thăm dò dầu khí tại các lô ngoài khơi. Điều này đã dẫn đến mối quan hệ bất hòa với chính quyền Trung Quốc.

Theo tờ Asia Times, một tổ chức thương mại vận tải biển có trụ sở tại London (giấu tên) đã nghiên cứu Luật hàng hải mới của Trung Quốc và cho biết có mối quan tâm đến vấn đề này trong ngành vận tải biển.

Theo truyền thống, hoa tiêu chỉ được đưa lên trên khi một con tàu đang đến gần bến cảng hoặc khi đi vào các tuyến đường thủy được quốc hữu hóa như kênh đào Suez hoặc Panama.

Nhưng theo các sửa đổi mới của Trung Quốc thì có thể yêu cầu hoa tiêu ở các địa điểm thực sự xa vùng biển của Trung Quốc - ngay cả ở các khu vực mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.

“Quả bom hẹn giờ" thách thức sự hiện diện của Mỹ và đồng minh trong khu vực

Để đối đầu với các lực lượng Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa một số bãi đá ngầm, đảo nhỏ và đảo nhân tạo ở Biển Đông, tàu chiến Mỹ đã tăng cường thực hiện hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) tại đây.

Các tàu Mỹ cũng đã bất chấp sự tức giận của Trung Quốc và thường xuyên qua lại eo biển Đài Loan nhạy cảm.

Thông báo về việc áp đặt Luật hàng hải mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục USS Kidd và tàu duyên hạm USCG Munro của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 27/8.

"Chuyến hải hành đi qua eo biển Đài Loan của các tàu thể hiện cam kết của Mỹ với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", Reuters ngày 28/8 dẫn tuyên bố của Hải quân Mỹ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối động thái này và ‘lên án mạnh mẽ’ cuộc tập trận, trong khi Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mô tả đó là một hoạt động thường lệ.

Đây là lần thứ 8 tàu của Hải quân Mỹ đi qua khu vực này trong năm 2021.

Mặc dù vậy, Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc đã được thông qua từ tháng 4/2021, yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Trung Quốc phải thông báo cho cơ quan hàng hải, mang theo giấy phép liên quan và chịu sự chỉ huy và giám sát của Trung Quốc.

Tàu chiến của các quốc gia khác như: Úc, Pháp, Nhật Bản, Vương quốc Anh gần đây đã thách thức sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông, mặc dù ít gây hấn hơn so với các tàu Mỹ.

Trung Quốc sẽ thực thi Luật An toàn Giao thông Hàng hải mới (MTSL) như thế nào?

Trung Quốc đã sở hữu hạm đội hải quân lớn với nhóm các tàu sân bay. Nước này cũng đã triển khai một “lực lượng dân quân hàng hải” không thể phủ nhận của các đội đánh cá được vũ khí hóa mà gần đây đã thực hiện các hành động quấy rối các bên tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines.

Không có tài sản nào trong số các lực lượng này thuộc lĩnh vực thực thi luật an toàn và giao thông hàng hải. Tuy nhiên, có những dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị các công cụ cụ thể cần thiết để quản lý MTSL.

Vào tháng 4, Tạp chí Nikkei Châu Á của Nhật Bản đã báo cáo rằng, cơ quan thực thi của MTSL, Cục An ninh Hàng hải, hiện đang đóng một loạt tàu tuần tra chuyên dụng.

Theo trang web thương mại Ship Technology, chiếc đầu tiên trong số các tàu này và là tàu tuần tra biển lớn nhất của Trung Quóc - “Haixun 09” (Hải tuần 09), đã được hạ thủy tại Quảng Châu vào tháng 9/2020.

Với chiều dài 165 m và lượng giãn nước 10.700 tấn, con tàu được hoàn chỉnh với một bãi đáp trực thăng. Với tầm hoạt động 18.520 km (10.000 hải lý), tàu có thể thực hiện các chuyến đi kéo dài hơn 90 ngày, có khả năng hoạt động xa hơn các vùng biển ven biển Trung Quốc.

Không rõ Trung Quốc dự định thực hiện Luật hàng hải mới như thế nào.

Mỹ - nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân trong khu vực, không có khả năng tuân thủ luật pháp của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple gọi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 2021 do Trung Quốc đặt ra là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ sát cánh cùng đối tác và đồng minh.

Các thành viên còn lại của UNCLOS sẽ phản ứng như thế nào trước thách thức này đối với hiệp định?

Đặng Hiếu

Việt Nam Chính trị

Trung Quốc đặt ‘bom hẹn giờ' mới trên biển, gia tăng căng thẳng trong khu vực