Truy cập đường dẫn trong tin nhắn lạ, một phụ nữ mất hơn 600 triệu đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truy cập vào đường dẫn từ tin nhắn lạ có nội dung nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, tài khoản ngân hàng của một nữ kế toán bị mất hơn 600 triệu đồng.

Ngày 23/11, doanh nhân Lâm Minh Chánh – một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – đã chia sẻ câu chuyện về trường hợp của một phụ nữ tại TP. HCM vừa bị lừa mất hơn 600 triệu đồng sau khi nhận được tin nhắn thông báo “đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ” giả mạo Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN).

Vợ của bạn nhập cả mật khẩu và số OTP vô. Thế là toàn bộ tiền trong tài khoản của vợ bạn (BIDV) hơn 600 triệu chạy qua tài khoản bên lừa đảo. Bạn đã báo Công An.

Bạn nhờ tôi cảnh báo mọi người, và nếu có ai biết cách truy tìm bọn lừa đảo thì giúp giùm nhé.” – ông Lâm Minh Chánh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

lừa đảo bảo hiểm thất nghiệp 600 triệu đồng
Doanh nhân Lâm Minh Chánh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Theo chị N.T.N (kế toán của một doanh nghiệp tại TP. HCM, nạn nhân của vụ việc trên), khoảng 13h40 ngày 23/11, điện thoại chị bất ngờ nhận được tin nhắn từ số máy +84564170816 với nội dung: “Ong (Ba) da du d!eu_k!en NHAN’TIEN ho tro tu quy-BHTN. Bam’vao www.vnbomo.icu de’ lay. QUA_HAN SE KHONG_DUOC CHAP’NHAN!”.

Vì là kế toán của công ty nên chị N. vừa mới yêu cầu nhân viên trong công ty tải ứng dụng VSSID của BHXH để theo dõi quá trình đóng BHXH. Chị cũng mới hoàn tất thủ tục cho người lao động được hưởng trợ cấp từ quỹ BHTN bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Sau khi đọc tin nhắn, trùng với thời điểm chị vừa đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, nên chị đã nhấp vào đường link vừa nhận được.

Chị N. cho biết, chị cũng có chút nghi ngờ nhưng cứ nghĩ nhấp vào coi như thế nào, nếu nó kêu mình nhập tài khoản, hay xác nhận lệnh chuyển tiền thì mình thoát ra, không tiếp tục truy cập nữa.

Sau khi mở đường link trong tin nhắn, trên điện thoại của chị hiện ra một giao diện giống với giao diện Smartbanking của BIDV (nhưng là giả mạo). Chị N. đã cẩn thận kiểm tra đường link nói trên bằng máy tính. Khi đó, trên màn hình máy tính lại hiện ra trang VSSID của BHXH nên chị càng bớt nghi ngờ.

Sau khi đăng nhập, giao diện yêu cầu chị N. nhập mã OTP. Chị mở tin nhắn ra thấy BIDV gửi mã OTP cho chị. Trong quá trình nhập mã, giao diện này thông báo chị N. nhập sai, khiến chị đã nhập 2 lần, dù chị khẳng định đã nhập rất chính xác.

Ngay sau 2 lần nhập mã OTP, chỉ chưa đầy 1 phút, chị nhận được hai tin nhắn liên tiếp từ BIDV báo tài khoản đã bị trừ tiền, lần lượt là 499.900.000 đồng và 126 triệu đồng. Tổng số tiền chị bị lấy cắp là hơn 625 triệu đồng.

Trước đây, hạn mức chuyển tiền của chị N. chỉ là 50 triệu đồng/lần chuyển, nhưng không may mới đây, chị đã đăng ký nâng hạn mức chuyển tiền lên 500 triệu đồng/lần. Chị cho biết, toàn bộ số tiền trong tài khoản đã bị kẻ xấu rút sạch.

Ngay sau đó, chị N. đã báo ngân hàng khóa tài khoản, đồng thời làm đơn trình báo công an quận Bình Thạnh - là địa phương nơi chị mở tài khoản.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra cảnh báo

Theo BHXH Việt Nam, những tin nhắn lừa đảo như trên xuất hiện từ cuối tháng 10/2021 và đã được BHXH Việt Nam liên tục cảnh báo.

Cơ quan này cho hay, kể từ thời điểm cuối tháng 10/2021, sau khi BHXH Việt Nam đưa ra cảnh báo về việc có đầu số 052… nhắn tin tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản, đến nay, BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về việc có các đầu số khác nhắn tin, gọi điện và gửi đường link đăng nhập, một số ứng dụng, trang web xấu nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thông tin cá nhân của người dân.

Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, kẻ xấu lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo.

Khi người dân đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ thấy hiển thị giao diện giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng mà người dân đang sử dụng. Sau đó, các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.

BHXH Việt Nam khẳng định, các tin nhắn, cuộc gọi trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.

BHXH Việt Nam cảnh báo người lao động: Không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tổng đài gửi không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Minh Nguyệt

Việt Nam Xã hội

Truy cập đường dẫn trong tin nhắn lạ, một phụ nữ mất hơn 600 triệu đồng