Từ 1/10: TP.HCM chính thức bỏ giấy đi đường, nhiều hoạt động dịch vụ được phép mở cửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ 1/10 trở đi, TP. HCM không cấp giấy đi đường nữa, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân, nhưng phải đảm bảo an toàn.

Sáng nay (30/9) TP. HCM họp báo công bố chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội từ 18h hôm nay.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình dịch ở thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.

Theo đó, chỉ thị mới có mục tiêu tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch trên toàn địa bàn; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động sản xuất, dịch vụ; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới…

Theo ông Lê Hòa Bình, tinh thần chỉ thị mới không phải cho các hoạt động được ồ ạt mở cửa trở lại mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn. Theo đó, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể.

Thành phố không cấp giấy đi đường nữa

Từ 1/10, thành phố không cấp giấy đi đường nữa, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân, nhưng phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi địa bàn TP. HCM, khi thực sự cần thiết thực hiện theo quy định của Sở Giao thông Vận tải. Nếu đi xe cá nhân cũng sẽ không qua được các chốt kiểm soát liên tỉnh.

Như vậy, khi tham gia lưu thông, người dân sẽ sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" có thể hiện lịch sử tiêm vaccine.

Lưu ý, trong trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Ngoài ra, shipper vận chuyển hàng hóa tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công thương. Theo Sở công thương, hiện đang có hơn 80.000 shipper vẫn hoạt động bình thường.

Đồng thời, TP. HCM tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, thành phố tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.

"Sau ngày 30/9 sẽ thấy không còn chốt chặn như trước, nhưng công an thành phố vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn", Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.

Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình cũng nhấn mạnh tinh thần đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP. HCM với các địa phương một cách thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Nhiều hoạt động, dịch vụ được phép mở cửa

TP.HCM dự kiến mở lại những hoạt động, dịch vụ sau từ ngày 1/10:

  • Các hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,.. dưới 10 người).
  • Các cơ quan, đơn vị, nhà nước, tổ chức chính trị, các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế giảm ít nhất 30% số lượng người hoạt động.
  • Cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu Công nghệ cao đảm bảo quy định phòng chống dịch.
  • Các hoạt động khám chữa bệnh, vật lý trị liệu, cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế.
  • Dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
  • Cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng, dầu, hóa chất; điện, nước, nhiên liệu; sửa chữa, dịch vụ công ích.
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc,…
  • Bưu chính, viễn thông; xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến,…
  • Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán ăn (chỉ được bán hàng mang đi trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ); chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống.
  • Cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác như cắt tóc, gội đầu.
  • Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe,.. được hoạt động dưới 10 người.
  • Tổ chức đám cưới (dưới 10 người); tổ chức đám tang từ dưới 20 người cùng 1 thời điểm.
  • Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch (hoạt động không quá 30% công suất).

Công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình nhận định, thành phố sẽ đa dạng hóa nguồn, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ toàn dân sớm nhất; ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Thành phố triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.

Đối với công tác xét nghiệm và xác định cấp độ dịch, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3, 4 và có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Tổ chức xét nghiệm tầm soát tất cả trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học... Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.

Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình nhấn mạnh, khi thành phố mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sản xuất sẽ thiếu lao động rất nhiều. Bằng chứng là sáng nay, khi thành phố tổ chức cho 45 công trình xây dựng thi công trở lại chỉ có 30-40% công nhân trở lại làm việc.

"Cơ hội đi làm, có việc làm, có thu nhập, tự lo cho cuộc sống của mình là rất lớn. Thành phố cũng đã có kế hoạch tổ chức đón công nhân trở lại. Vì vậy, chúng tôi mong lực lượng công nhân ở lại, nhận gói hỗ trợ thứ ba, tiêm vaccine và tiếp tục tham gia lao động sản xuất tại TP. HCM", ông Bình nói.


Từ 1/10: TP.HCM chính thức bỏ giấy đi đường, nhiều hoạt động dịch vụ được phép mở cửa