Tử vong sau 1 tháng khỏi COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tháng sau khi khỏi COVID-19, nữ bệnh nhân có triệu chứng khó thở, mệt mỏi, suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, sau đó tử vong.

Ngày 14/3, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng đơn nguyên điều trị COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Hà Nội) thông tin về nữ bệnh nhân 62 tuổi đến bệnh viện khám do liên tục khó thở và mệt mỏi.

Bác sĩ Thu Hường cho hay, khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy trước đó, bệnh nhân bị tăng huyết áp, từng mắc COVID-19 và điều trị khỏi tại một cơ sở y tế khác cách đây vài tuần.

Vào thời điểm nhập viện, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (cả xét nghiệm nhanh và PCR). Tuy nhiên, chỉ số oxy trong máu (SpO2) của bệnh nhân lại ở mức thấp: 80%.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở oxy nhưng do phổi bị tổn thương sâu, nên dù được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), bệnh nhân đã tử vong sau ba ngày nhập viện.

Bác sĩ Thu Hường cho hay, bệnh nền tăng huyết áp của bệnh nhân này không quá phức tạp, tuổi không quá cao, các xét nghiệm cho thấy đã khỏi COVID-19.

Tuy nhiên, bệnh nhân khám hậu COVID-19 quá trễ, vào viện khi phổi đã tổn thương rất nặng. Vì vậy, nguyên nhân tử vong được bác sĩ nhận định ban đầu là "do hậu quả của COVID-19" - còn gọi là hội chứng hậu COVID hoặc hội chứng COVID kéo dài.

Liên quan đến tình trạng này, bác sĩ Thu Hường cho hay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Thanh Nhàn đang tiếp nhận hơn 100 trường hợp tới khám do có triệu chứng hậu COVID-19.

Cũng theo bác sĩ Thu Hường, hội chứng hậu COVID-19 thường gặp ở người già, người có bệnh lý nền. Cá biệt, cũng có trường hợp bệnh nhân trẻ mắc hậu COVID-19 rất nặng, suy hô hấp.

Theo bác sĩ Thu Hường, triệu chứng thường gặp nhất sau khi khỏi COVID-19 là mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, giảm khả năng lao động thể lực, mất tập trung và rối loạn giấc ngủ. Một số bệnh nhân thậm chí xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh từng mắc COVID-19 cần đi khám sớm sau khi khỏi bệnh để phát hiện bệnh và có những biện pháp xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hội chứng hậu COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 - 20% bệnh nhân bị ảnh hưởng lâu dài, có biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng được gọi là tình trạng hậu COVID-19.

Hội chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng rất đa dạng. Khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hậu COVID-19 đã được thế giới ghi nhận, mức độ từ rất nhẹ (bao gồm: mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng), đến rất nặng (gồm suy hô hấp, xơ phổi nặng…).

Việt Nam chưa thống kê về di chứng COVID-19, tuy nhiên đã ghi nhận nhiều F0 bị tổn thương phổi sau khi khỏi bệnh.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM) cho biết, tổn thương phổi sau nhiễm COVID-19 là di chứng thường gặp đối với F0. Có nhiều mức độ tổn thương khác nhau nhưng phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng chức năng hô hấp. Riêng tình trạng phổi nhiễm trùng hoại tử, tạo ra nhiều ổ áp xe bên trong khoang ngực đã có ghi nhận trong các báo cáo về COVID-19 trên thế giới. Đây là di chứng gây khó khăn trong điều trị, có thể tái nhiễm nhiều lần, thậm chí trở thành nhiễm trùng mạn tính.

BS. Nguyễn Anh Dũng cho hay, để bảo vệ lá phổi hậu COVID-19, tránh trường hợp diễn tiến âm thầm có thể trở nặng, gây suy hô hấp; những bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 có triệu chứng khó thở, đặc biệt khó thở kèm dấu hiệu tức ngực cần đến các cơ sở y tế khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe. Những trường hợp chịu nhiều tổn thương sau nhiễm COVID-19 là nhóm người bệnh viêm phổi nặng, từng thở máy, điều trị ECMO, người lớn tuổi, có bệnh nền thì cần đi khám sớm.

Tuấn Tú

Việt Nam Xã hội

Tử vong sau 1 tháng khỏi COVID-19