Việt Nam dự kiến cấp hộ chiếu vaccine từ 15/4

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế Việt Nam dự kiến sẽ cấp hộ chiếu vaccine COVID-19 cho người dân từ ngày 15/4. Tuy nhiên, hiện có hơn 41 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 bị sai thông tin đang chờ cập nhật.

Sáng 04/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thực hiện cấp hộ chiếu vaccine COVID-19; và bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng.

Theo Bộ Y tế, các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thực hiện ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 08/4 để Bộ Y tế tiến hành cấp hộ chiếu vaccine cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4.

Hơn 41 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 bị sai thông tin

Tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 tại Việt Nam ở mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.

Ông Thuấn cho hay, đến nay, các hệ thống đã sẵn sàng cho việc thực hiện cấp hộ chiếu vaccine.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30/3, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 154 triệu mũi; trong đó có hơn 41 triệu mũi bị xác thực sai thông tin. Ngoài ra, khoảng 41 triệu mũi chưa được gửi (bao gồm các mũi tiêm chưa nhập và các mũi tiêm đã nhập nhưng thiếu thông tin cơ bản không thể gửi).

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng địa phương phối hợp với cơ quan công an, bổ sung, xác minh, xác thực cũng như nhập dữ liệu lên hệ thống.

Người dân đã tiêm chủng lưu ý khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sau đó sẽ được cấp hộ chiếu vaccine và không phải thực hiện thêm thủ tục gì.

Hộ chiếu vaccine sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử; PC-COVID; hoặc khi người dân tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Những người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine do thiếu; hoặc sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

Hộ chiếu vaccine là gì?

"Hộ chiếu vaccine" được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19; hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng; khỏi bệnh của cá nhân; không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như: hộ chiếu; thị thực; giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ thông hành; thẻ tạm trú; thẻ thường trú; giấy miễn thị thực…

Hộ chiếu vaccine được sử dụng khi người dân nhập cảnh; hoặc di chuyển mà cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thì đây được coi như giấy thông hành; giúp người dân dễ dàng khi nhập cảnh các quốc gia khác

Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT, ngày 20/12/2021 về ban hành biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vaccine được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trong cả nước.

Theo đó, hộ chiếu vaccine được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận hộ chiếu vaccine được cấp sử dụng định dạng mã QR; có thời hạn 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.

Hết thời hạn này, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới. Mã QR hộ chiếu vaccine của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn do tổ chức WHO và EU ban hành.

Tính đến ngày 17/3/2022, Việt Nam đã đạt được thoả thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia bao gồm: Mỹ; Anh và Bắc Ireland; Nhật Bản; Australia; Belarus; Ấn Độ; Campuchia; Philippines; Maldives; Palestine; Thổ Nhĩ Kỳ; Ai Cập; Sri Lanka; New Zealand; Singapore; Saint Lucia; và Hàn Quốc.

Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam vào các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Quy trình 3 bước cấp hộ chiếu vaccine COVID-19

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép; bao gồm: AstraZeneca; Sputnik V; Vero Cell; Pfizer; Moderna; Janssen; Hayat-Vax; và Abdala. Mỗi sản phẩm vaccine được gắn một mã code.

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 tập trung.

Hộ chiếu vaccine hiển thị 11 trường thông tin gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vaccine; sản phẩm vaccine; nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; mã số của chứng nhận.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã tiêm hơn 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

 

Tỷ lệ bao phủ mũi 1 vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là gần 100%; mũi 2 là 99%; và mũi 3 khoảng 50%. Ở nhóm người từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1 là 99% và mũi 2 là 94%.

Hiện, Bộ Y tế và các địa phương đang chuẩn bị để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào giữa tháng 4.

Minh Nguyệt

Việt Nam Xã hội

Việt Nam dự kiến cấp hộ chiếu vaccine từ 15/4